Tập trung đầu tư
Nhằm kết nối giao thương giữa các vùng và các tỉnh, thành trong khu vực, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những năm qua, bên cạnh sự đầu tư của Trung ương, tỉnh ưu tiên nhiều nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm là 1 trong 2 chương trình đột phá mang ý nghĩa chiến lược, cần tập trung lãnh đạo thực hiện.
Theo đó, chương trình gồm 14 dự án giao thông huyết mạch được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Cảng Quốc tế Long An và các tuyến giao thông của TP.HCM. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế khi vận chuyển hàng hóa bằng đường biển tại Cảng Quốc tế Long An không chỉ giúp giảm tải cho các cụm cảng của TP.HCM mà còn giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa của Long An và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết nối giao thông tạo đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Theo Sở Giao thông Vận tải, trong 12 công trình thuộc chương trình đột phá do sở làm chủ đầu tư, đến tháng 12/2018, có 7 công trình hoàn thành, gồm: Đường nối từ Đường tỉnh (ĐT) 830 đến Quốc lộ N2; ĐT825 (đoạn từ N2 đến ngã tư Hậu Nghĩa); ĐT823 (từ Trà Cú đến ngã tư Hậu Nghĩa); cải tạo, nâng cấp mặt đường ĐT824 đoạn Km12+000 (ngã ba Mỹ Hạnh) đến Km15+200 (cuối tuyến); ĐT826B đoạn từ Quốc lộ 50 đến đồn Rạch Cát; nâng cấp ĐT825 đoạn thị trấn Đức Hòa đến ngã ba Hòa Khánh; mở rộng ĐT825 (Km0+942 - Km3+676) đoạn từ đường Hải Sơn - Tân Đức đến cầu Xáng.
Các dự án còn lại như đường Lương Hòa (Bến Lức) kết nối với huyện Bình Chánh (TP.HCM); dự án lớn đường Tân Tập - Long Hậu + ấp 3 - Long Hậu và cầu bắc qua sông Cần Giuộc, nhánh nối vào cầu Rạch Dơi; đường cặp kênh Tây; ĐT823B (đường qua Khu công nghiệp Đức Hòa 2-3, giai đoạn 1); ĐT833B (đoạn từ Quốc lộ 1 đến sông Vàm Cỏ Đông); nâng cấp, mở rộng đường Mỹ Hạnh (từ cống Gò Mối đến ĐT824); mở rộng đường Đức Hòa Thượng (đoạn từ Quốc lộ N2 đến D9T824) hầu hết đều đã được triển khai thi công.
Phát triển nhanh chóng
Bên cạnh các công trình hạ tầng giao thông thuộc chương trình đột phá, tỉnh còn đầu tư 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, gồm: ĐT830 (đoạn Đức Hòa - Cảng Long An); Đường Vành đai TP.Tân An (bao gồm cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây); Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối TP.HCM - Long An và tỉnh Tiền Giang. Hiện nay, các công trình cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Sở Giao thông Vận tải và các ngành, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Sự phát triển nhanh về giao thông đã góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa 3 vùng quy hoạch chiến lược của tỉnh, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển. Diện mạo quê hương từ vùng nông thôn đến thành thị đang khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại hơn. Đổi thay rõ nét nhất có thể kể đến ĐT830 - 1 trong 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nối liền từ huyện Đức Hòa qua Quốc lộ 1 đến Cảng Quốc tế Long An.
Đường tỉnh 830, đoạn BOT qua địa bàn xã Lương Hòa, huyện Bến Lức tấp nập phương tiện lưu thông
Tuyến đường này có chiều dài khoảng 55km, tổng mức đầu tư nâng cấp, mở rộng trên 3.200 tỉ đồng và chia làm 3 đoạn: Đoạn 1 từ cầu An Thạnh (huyện Bến Lức) đến thị trấn Đức Hòa; đoạn 2 từ Bến Lức đến Quốc lộ 50; đoạn 3 từ Quốc lộ 50 đến Cảng Long An (nằm trong dự án đường Tân Tập - Long Hậu - Quốc lộ 50 - Cảng Long An). Đến thời điểm này, ĐT830 cơ bản thông xe từ Đức Hòa đến Cần Giuộc, chỉ còn gói thầu 7a (từ Cảng Long An đến Km5+187, dài 5,1km) khởi công ngày 31/8/2018, dự kiến hoàn thành vào ngày 31/8/2019.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Học, ĐT830 là tuyến đường huyết mạch có vai trò hết sức quan trọng kết nối các huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc. Tuyến đường này sau khi hoàn thành không chỉ đáp ứng yêu cầu về hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển KT-XH của địa phương mà còn tạo sự liên kết vùng giữa Long An với các tỉnh, thành khác, nhất là TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Đổi thay vượt bậc
Có mặt tại tuyến ĐT830 đoạn qua địa bàn huyện Bến Lức, chúng tôi thấy lượng người và phương tiện, nhất là xe tải, xe container lưu thông rất đông đúc. Được biết, tuyến đường này trước đây nhỏ, hẹp, mặt đường xuống cấp, hư hỏng nặng, nay được nâng cấp, mở rộng gấp đôi, xây mới 8 cầu, chiều dài khoảng 24km, tổng kinh phí gần 1.100 tỉ đồng. Bà Bùi Thị Ba, ngụ ấp 7, xã Lương Hòa, bộc bạch: “Tuyến đường được trải nhựa phẳng phiu giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, việc buôn bán cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều”.
Với vị trí tiếp giáp TP.HCM, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, thời gian qua, Bến Lức không ngừng đôn đốc hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đồng thời phối hợp triển khai, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông có tính chất kết nối vùng như ĐT830, ĐT816, ĐT833B,... Đây là nền tảng quan trọng để khu vực phía Bắc huyện Bến Lức (gồm 6 xã: Tân Hòa, Lương Hòa, Lương Bình, Bình Đức, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, chiếm 60% diện tích của huyện) phát triển một cách đồng bộ, hiện đại, thu hút các nhà đầu tư.
Đường tỉnh 830, đoạn qua địa bàn huyện Cần Giuộc tiếp tục hoàn thành những công đoạn cuối
Theo UBND huyện Bến Lức, các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam, nơi có Quốc lộ 1 đi qua. Ở khu vực phía Bắc, mức độ thu hút các dự án đầu tư còn chậm, việc triển khai hoạt động của một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do hệ thống giao thông còn bất cập. Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp, huyện được UBND tỉnh giao lập quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 khu vực phía Bắc và đã được phê duyệt tại Quyết định số 831/QĐ-UBND, ngày 16/3/2018.
Mặt khác, thực hiện chương trình kết nối Long An - TP.HCM, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3481/QĐ-UBND, ngày 26/9/2017 phê duyệt chủ trương đầu tư đường Lương Hòa - Bình Chánh, chiều dài khoảng 5,8km. Hiện TP.HCM đã triển khai thi công công trình cầu Tân Bửu với tổng mức đầu tư 218 tỉ đồng. Phía huyện Bến Lức triển khai thi công đường vào cầu và giải phóng mặt bằng với kinh phí hơn 20 tỉ đồng, góp phần phục vụ việc đi lại, phát triển kinh tế của 2 địa phương ngày càng tốt hơn.
“Với hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng rộng mở, thông thoáng, liên tục 3 năm qua, dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào huyện luôn tăng mạnh, bình quân mỗi năm thu hút khoảng 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đăng ký hoạt động. Đến nay, toàn huyện có 1.618 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký trên 20.728 tỉ đồng và 96 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1,278 tỉ USD đang hoạt động” - Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi vui mừng thông tin.
Ngày càng đồng bộ
Cũng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, huyện Cần Đước luôn chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông. Không chỉ tập trung phát triển các tuyến đường huyết mạch của tỉnh, những tuyến đường huyện, đường xã cũng được địa phương quan tâm nâng cấp, mở rộng. Chính vì vậy, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện ngày càng hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa, phát triển KT-XH, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh.
Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường cho biết: “Chủ trương của huyện là phát huy tối đa sức mạnh nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, Trung ương và nguồn lực từ công tác xã hội hóa. Theo đó, huyện tập trung quyết liệt vào công tác thu ngân sách để tăng chi cho đầu tư kết cấu hạ tầng. Năm 2017 và 2018, tổng mức kinh phí huyện huy động để xây dựng các công trình giao thông hơn 163,6 tỉ đồng (trong đó, nguồn vốn ngân sách huyện hơn 84,6 tỉ đồng, nguồn vốn dân đóng góp hơn 22 tỉ đồng).
Ông Nguyễn Việt Cường nhận định, trong số các công trình giao thông được đầu tư trong thời gian gần đây thì công trình ĐT830 có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ với tỉnh mà còn với huyện Cần Đước. Đây được xem là cầu nối quan trọng giữa các khu, cụm công nghiệp của huyện với các khu, cụm công nghiệp khác trong tỉnh, kết nối liên hoàn với Cảng Quốc tế Long An và TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước. Chính điều này tạo động lực cho việc thu hút đầu tư, giao thương hàng hóa, phát triển công nghiệp của huyện.
Thực tế trong 2 năm gần đây, việc phát triển mạnh mạng lưới giao thông giúp huyện tiếp nhận thêm 13 nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, nâng tổng số nhà máy đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn lên 56 nhà máy, tăng 30,2%. Tiểu thủ công nghiệp cũng có bước phát triển ổn định, năm 2017 và 2018, huyện tiếp nhận thêm 13 cơ sở hoạt động trên địa bàn, nâng tổng số cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ lên trên con số 150 cơ sở, tăng 9,4%. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục ngàn lao động địa phương.
Tạo sự kết nối
Năm 2016, trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát Cảng Quốc tế Long An và đánh giá rằng, vị trí của cảng rất thuận lợi, nằm ở bản lề giữa Đông và Tây Nam bộ, dễ dàng kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long bằng đường bộ và đường thủy. Do đó, cảng đưa vào hoạt động sẽ sớm phát huy hiệu quả. Sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để có được chuyến tàu cập cảng đầu tiên vào đầu năm 2017.
Dự kiến, sau khi hoàn thành vào năm 2023, Cảng Quốc tế Long An sẽ là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất khu vực miền Nam
Cảng Quốc tế Long An thuộc địa bàn xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, với diện tích 147ha được thiết kế gồm 7 cầu cảng, có khả năng tiếp nhận tàu từ 30.000-50.000 DWT và 4 bến xà lan có thể tiếp nhận xà lan 2.000 tấn. Dự kiến, sau khi hoàn thành vào năm 2023, Cảng Quốc tế Long An sẽ là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất khu vực miền Nam, kết hợp cùng Khu công nghiệp Đông Nam Á và Khu trung tâm dịch vụ logistics để hợp thành một trung tâm đầu mối xuất nhập khẩu cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Hòa Thành Long An - Võ Thanh Tú cho biết: “Từ trước đến nay, hàng hóa xuất nhập khẩu đều phải vận chuyển đến các cụm cảng tại TP.HCM, chi phí vận chuyển và logistics cao, chưa kể các cảng này đang trong tình trạng quá tải. Khi Cảng Quốc tế Long An hoàn thành, đưa vào khai thác hết công suất, hàng hóa của Long An và các tỉnh trong khu vực sẽ xuất đi từ đây. Lợi ích đã quá rõ, ngoài việc giúp giảm tải cho các cụm cảng, doanh nghiệp còn tiết kiệm được thời gian, chi phí vận chuyển và nhiều chi phí phát sinh khác”.
Để kết nối với Cảng Quốc tế Long An, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định đầu tư công trình ĐT830 và một số công trình thuộc Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối từ Đức Hòa, Bến Lức về Cần Đước, Cần Giuộc và hầu hết các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Mặc dù nhiều công trình vẫn đang trong giai đoạn xây dựng nhưng đã cho thấy tiềm năng phát triển, khẳng định tính đúng đắn của nghị quyết. Tin rằng, khi những công trình này hoàn thành thì sự đóng góp của nó chắc chắn sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần so với hiện tại.
“Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp UBND các địa phương tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho nhà thầu thi công trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc làm tốt công tác giám sát, đôn đốc nhà thầu thực hiện nhiều mũi thi công nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình” - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Học thông tin thêm./.
Kỳ Nam