Tiếng Việt | English

10/03/2023 - 18:36

Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp phân phối TP.HCM với doanh nghiệp cung ứng thuộc vùng ĐBSCL

Ngày 10/3, tại tỉnh Bến Tre, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp phân phối TP.HCM với doanh nghiệp các tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp phân phối TP.HCM với doanh nghiệp các tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Hội nghị nằm trong chuỗi các hoạt động của sự kiện sơ kết, tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL. Hội nghị có sự tham gia của 124 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở đến từ 13 tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL.

Trong những năm qua, chương trình hợp tác phát triển KT - XH giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có những tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy tiêu thụ và kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh dòng luân chuyển hàng hóa, nâng tầm sản phẩm đặc trưng của các địa phương cũng như tạo cầu nối gắn kết thông thương chặt chẽ giữa TP.HCM với từng tỉnh, thành nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở đã cùng nhau thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và chia sẻ những kinh nghiệm trong việc kết nối giao thương. Đồng thời, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hệ thống phân phối TP.HCM và các doanh nghiệp cung ứng thuộc vùng ĐBSCL.

Các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác

Trước đó, Hội thảo Xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn Halal từ vùng ĐBSCL để tiếp cận các quốc gia Hồi giáo cũng được tổ chức với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm của các tỉnh, thành ĐBSCL.

Hội thảo Xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn Halal từ vùng ĐBSCL để tiếp cận các quốc gia Hồi giáo

Hội thảo đã khẳng định thị trường Halal đang phát triển nhanh, ngoài thực phẩm còn mở rộng sang dược phẩm, mỹ phẩm, dịch vụ,... tại khắp các châu lục từ châu Á, châu Phi, châu Âu cho đến châu Mỹ.

Hiện nay, thế giới có gần 2 tỉ người Hồi giáo với mức chi tiêu cho thực phẩm Halal dự báo có thể đạt đến 15.000 tỉ USD vào năm 2050. Tuy nhiên, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal đến nay còn hạn chế do gặp khó khăn trong việc cấp chứng nhận Halal và thiếu thông tin về thị trường, văn hóa kinh doanh, tiêu dùng để tham gia sâu vào thị trường Halal, nhất là tại các quốc gia Hồi giáo. Do đó, việc đạt được chứng nhận Halal được xem là chìa khóa giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận đến thị trường thực phẩm Halal toàn cầu./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích