Hiến máu tình nguyện là hoạt động nhân đạo được nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng
Lan tỏa giá trị nhân đạo
Cùng với cả nước, tại Long An, Tháng Nhân đạo năm 2019 diễn ra từ ngày 01 đến 31/5 với chủ đề “Nhân đạo - từ nhận thức tới hành động”, trong đó có 2 tuần cao điểm từ ngày 08 đến 19/5/2019. Toàn tỉnh phấn đấu mỗi huyện, thị và thành hội có từ 300-500 lượt người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ với hình thức và mức trợ giúp thích hợp. Theo đó, công tác tuyên truyền được chú trọng thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần, khơi dậy lòng nhân ái trong các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác nhân đạo và hoạt động CTĐ.
Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh - Nguyễn Văn Ghim cho biết: “Trong điều kiện của tỉnh, các hoạt động hưởng ứng Tháng Nhân đạo được tổ chức phù hợp, trong đó chú trọng nhất là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về các giá trị nhân đạo, khơi dậy tinh thần, động lực trong các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân nói chung và những người làm công tác nhân đạo, hoạt động CTĐ nói riêng. Qua đó, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái”.
Để Tháng Nhân đạo được triển khai hiệu quả, hội phối hợp các ngành liên quan, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, lập hồ sơ đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp dưới hình thức “địa chỉ nhân đạo”. Đồng thời, vận động và phối hợp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai xây dựng các công trình nhân đạo; Chiến dịch “Những giọt máu hồng” hè 2019; tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn, vận động hiến máu tình nguyện, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cộng đồng và phòng ngừa, ứng phó thảm họa,... Hội kêu gọi và vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.
Chung tay vì cộng đồng
Xác định cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” là chương trình chủ đạo, xuyên suốt trong mọi hoạt động công tác xã hội - nhân đạo, các cấp Hội CTĐ huyện Cần Đước đi đầu trong triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng tới người nghèo. Năm 2018, các cấp hội trong huyện vận động bảo trợ thường xuyên cho 267 hộ nghèo và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền gần 500 triệu đồng; xây dựng 52 nhà tình thương, sửa chữa 2 căn cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với số tiền trên 3 tỉ đồng; vận động mạnh thường quân hỗ trợ trên 98.000 suất cơm, trị giá trên 1 tỉ đồng cho bếp ăn từ thiện. Từ đầu năm 2019 đến nay, Hội CTĐ huyện vận động xây dựng 4 nhà tình thương, mỗi căn trị giá 40 triệu đồng. Hiện toàn huyện có 50 “địa chỉ nhân đạo” được hỗ trợ mỗi tháng 10kg gạo và các nhu yếu phẩm khác.
Công tác chăm lo người nghèo được các cấp Hội Chữ thập đỏ huyện Cần Đước quan tâm thực hiện
Ông Phạm Anh Dũng (ấp Nhà Dài, xã Tân Lân, huyện Cần Đước) là một trong những “địa chỉ nhân đạo” được hỗ trợ nhiều năm nay. Là hộ nghèo, neo đơn, sức khỏe kém nên ông Dũng sống chủ yếu dựa vào sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và mạnh thường quân. Ông Dũng tâm sự: “Tôi mắc bệnh u bướu thần kinh gần 30 năm nay, đến năm 2012 thì tôi bị tai biến liệt nửa người nên đi lại khó khăn. Mọi sinh hoạt đều nhờ vào sự trợ giúp của bạn bè và bà con trong xóm. Hiện mỗi tháng, tôi được hỗ trợ 405.000 đồng, 10kg gạo và nhu yếu phẩm. Nhờ có sự chung tay giúp sức của cộng đồng mà tôi có thêm động lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống”. Bên cạnh đó, phong trào “Tương thân, tương ái” cũng được các cấp hội quan tâm thực hiện. Năm 2018, các cấp hội vận động mạnh thường quân tặng quà, xe lăn; mua bảo hiểm y tế; hỗ trợ máy xe nhang; hỗ trợ mai táng cho người nghèo qua đời; xây dựng mới 4 cây cầu giao thông nông thôn,... với tổng số tiền gần 7,8 tỉ đồng. Nhờ huy động sự chung tay vào cuộc của xã hội nên công tác chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng được hội thực hiện hiệu quả như mổ mắt đục thủy tinh thể; khám và cấp thuốc Đông, Tây y miễn phí,... với số tiền trên 1,7 tỉ đồng.
Chủ tịch Hội CTĐ huyện Cần Đước - Trần Thị Phượng thông tin: “Thời gian tới, hội tiếp tục vận động các nguồn lực, sự trợ giúp của doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhằm chia sẻ khó khăn với người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người già neo đơn,... trên địa bàn. Trong Tháng Nhân đạo, chúng tôi đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường hoạt động vì an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho người nghèo và người dễ bị tổn thương trong xã hội. Đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; vận động hiến máu tình nguyện; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa;...”.
Tại huyện Thạnh Hóa, công tác chăm lo người nghèo cũng được các cấp Hội CTĐ chú trọng thực hiện, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, biên giới. Thuận Bình là một trong các xã của huyện thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người dân. Hiện toàn xã có 9 “địa chỉ nhân đạo” là các hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những món quà thấm đượm tình người mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều mảnh đời bất hạnh.
Được sự giới thiệu của lãnh đạo địa phương, chúng tôi đến gặp bà Nguyễn Thị Lệ (ấp 61, xã Thuận Bình). Gia đình bà Lệ thuộc diện hộ nghèo, bà lại mắc bệnh suy thận mãn tính nhiều năm nay. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều phụ thuộc vào số tiền ít ỏi kiếm được từ công việc chạy xe ôm của chồng bà. “Hiện mỗi tháng, gia đình tôi được hỗ trợ 10kg gạo và 100.000 đồng, nhờ đó giảm bớt một phần khó khăn” - bà Lệ nói.
Để Tháng Nhân đạo đúng thực chất, ý nghĩa và hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền, toàn xã hội cần nêu cao trách nhiệm, triển khai nhiều chương trình ý nghĩa hướng tới người nghèo. Qua đó, góp phần giảm nghèo, xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái./.
Ngọc Mận - Huỳnh Hương
Tháng Nhân đạo năm 2018, cả nước vận động trợ giúp trên 625.000 đối tượng với tổng trị giá trên 243,3 tỉ đồng. Phát huy kết quả đã đạt, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục triển khai Tháng Nhân đạo 2019 từ ngày 01 đến 31/5 với chủ đề “Kết nối, sẻ chia và lan tỏa”. Phấn đấu trong Tháng Nhân đạo, các cấp hội vận động và trợ giúp 100.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn. |