100% công chức, viên chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập
Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy, toàn tỉnh có 59 đầu mối cơ quan, đơn vị mà CBCCVC phải kê khai TS, thu nhập. Qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương cho thấy, 100% đối tượng thuộc diện phải kê khai TS, thu nhập ở đầu mối cơ quan, đơn vị đều thực hiện hoàn thành vào cuối năm 2017. Cụ thể, số người thuộc diện phải kê khai là 9.718 người. Trong đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị lưu giữ 7.259 bản kê khai; số bản kê khai thuộc diện Tỉnh ủy, Thành ủy, Thị ủy, huyện ủy quản lý 2.456 bản; số bản kê khai do tổ chức cấp trên quản lý 3 bản.
Sau khi có kết quả kê khai TS, thu nhập, các cơ quan, tổ chức, đơn vị công khai bằng hình thức niêm yết tại trụ sở cơ quan đang làm việc và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc của cơ quan mình (6.200 bản) hoặc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp (3.518 bản). Các cơ quan, tổ chức, đơn vị công khai bản kê khai TS bằng nhiều hình thức, bảo đảm theo quy định của pháp luật; chưa có trường hợp nào bị xử lý do vi phạm về kê khai, minh bạch TS, thu nhập.
Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy, 100% công chức, viên chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập
Theo Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững, kê khai, công khai và tổng hợp báo cáo công tác minh bạch TS, thu nhập ở một số cơ quan, đơn vị trong một thời gian còn hạn chế. Theo đó, hầu như các cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý được vụ tham nhũng nào từ các bản kê khai TS, thu nhập của CBCCVC. Việc kê khai cũng như công khai bản kê khai TS, thu nhập thời gian qua còn mang tính hình thức, chưa có trường hợp nào phải xác minh TS được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm. Việc kiểm tra tính trung thực trong kê khai chưa được quy định rõ. “Nguyên nhân chính của tình trạng này là chưa quy định bắt buộc xác minh TS được kê khai; việc kê khai TS, thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng chủ yếu do sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chưa có chế tài đủ mạnh trong việc xử lý người kê khai thiếu trung thực” - ông Vững nêu rõ. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) có quy định về giải trình TS tăng thêm nhưng chỉ áp dụng cho người kê khai bổ sung; còn người kê khai lần đầu, nếu TS có giá trị lớn như thế nào cũng không phải giải trình. Đây là “lỗ hổng” lớn trong công tác minh bạch TS của người thuộc đối tượng phải kê khai TS, thu nhập.
Từ những thực trạng trên, ông Nguyễn Thành Vững cho rằng, việc kê khai TS, thu nhập của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao và còn mang tính hình thức do thiếu cơ chế giám sát.
Khắc phục tính hình thức
Nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trên, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ban hành Quy định số 06-QĐ/TU, ngày 22/8/2017 về kiểm tra, giám sát việc kê khai TS đối với cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy, BTV các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy và cấp ủy cơ sở quản lý. Quy định nêu rõ chủ thể kiểm tra, giám sát là BTV Tỉnh ủy, BTV các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, BTV cấp ủy cơ sở, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ủy ban kiểm tra Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở và chi bộ nơi cán bộ đang sinh hoạt.
Theo đó, nội dung kiểm tra, giám sát việc kê khai TS là việc thực hiện các quy định về kê khai TS, biến động TS hàng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Giải trình về biến động TS và nguồn gốc của TS tăng thêm.
Quy định chỉ rõ về các vi phạm và việc xử lý vi phạm kê khai TS: Không kê khai, kê khai không trung thực, kê khai không đúng quy định. Giải trình về biến động TS và nguồn gốc TS tăng thêm: Không giải trình, giải trình không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời theo quy định và yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông Nguyễn Thành Vững, quy định nêu rõ, khi cán bộ có 1 trong 3 căn cứ sau sẽ phải kiểm tra, xác minh. Một là, khi cơ quan và tổ chức có thẩm quyền ban hành kế hoạch, yêu cầu kiểm tra, giám sát. Hai là, trường hợp xuất hiện đơn, thư kiến nghị, phản ánh có căn cứ về việc kê khai TS không trung thực của cán bộ. Ba là, khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai TS.
Các vi phạm trong quá trình kiểm tra, giám sát về kê khai TS cũng được thể hiện rõ trong quy định. Đối với đối tượng kiểm tra, giám sát và các cơ quan, tổ chức liên quan: Không chấp hành yêu cầu của chủ thể kiểm tra, giám sát và có hành vi cản trở, bất hợp tác trong quá trình kiểm tra, giám sát việc kê khai TS sửa chữa, bổ sung, giả mạo về hồ sơ, thông tin, tài liệu liên quan đến TS, biến động TS và nguồn gốc TS của bản thân và gia đình. Gây áp lực, mua chuộc tổ chức, cá nhân đang thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai TS. Cung cấp thông tin, tài liệu nhằm làm sai lệch kết quả giám sát, kết luận kiểm tra việc kê khai TS.
Đối với chủ thể kiểm tra, giám sát: Làm lộ thông tin về TS của đối tượng kiểm tra, giám sát; làm sai lệch hồ sơ kiểm tra, giám sát việc kê khai TS; nhận xét, kết luận thiếu căn cứ, không khách quan trong quá trình kiểm tra, giám sát./.
"Để đánh giá việc kê khai tài sản của cán bộ có chức, có quyền thế nào là đúng, trung thực thì không được buông lỏng cơ chế kiểm tra, giám sát. Nếu cán bộ kê khai, công khai tài sản đúng quy định thì dân chủ ở cơ sở sẽ phát huy và bảo vệ cho mình. Nếu cố tình giấu, khi cơ quan giám sát phát hiện sẽ phê bình, kiểm điểm, thậm chí có thể buộc thôi việc hoặc cách chức. Còn nếu tài sản lớn có dấu hiệu tham nhũng không giải thích được thì xử lý theo pháp luật. Như vậy, việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền mới có hiệu quả, khắc phục được bệnh hình thức”.
Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững
|
Vũ Quang - Hoàng Anh