Tiếng Việt | English

19/11/2021 - 15:40

Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền...

Nhớ lời Bác Hồ dạy giáo viên (GV) mầm non: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì phải yêu trẻ”, cô Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc Hạnh Dung - GV Trường Mẫu giáo Long Khê (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) và cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - GV Trường Mầm non thị trấn Tân Trụ (huyện Tân Trụ), luôn dành tình yêu thương cho các bé như con của mình. Tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, các cô đạt nhiều thành công trong sự nghiệp “trồng người”.

Chọn nghề cao quý

Chúng tôi gặp cô Hạnh Dung (SN 1984) - GV Trường Mẫu giáo Long Khê, vào ngày cuối tháng 10 khi cô đang tất bật vệ sinh đồ chơi, sân, lớp để chuẩn bị đón các bé quay trở lại trường. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô Hạnh Dung đi làm khoảng 2 năm. Vì yêu thích trẻ nhỏ nên cô quyết tâm ôn và thi vào ngành Giáo dục mầm non. Tốt nghiệp trung cấp giáo dục mầm non, cô tiếp tục học liên thông và trở về địa phương gắn bó với việc nuôi dạy trẻ đến nay đã 15 năm.

Cô Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc Hạnh Dung là một tấm gương điển hình. Cô luôn được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh yêu quý

Ánh mắt trìu mến, giọng nói dịu dàng, cô tâm sự: “Là GV mầm non, tôi luôn phấn đấu và học tập không ngừng, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với tinh thần trách nhiệm, tôi đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu và thực hiện tốt những công việc mà một GV cần làm”.

Với cô Dung, trẻ thơ như tờ giấy trắng. Mầm non là cấp học đầu đời, đặt nền móng hình thành nhân cách cho trẻ, do đó cô đặt rất nhiều tâm huyết, cố gắng chăm sóc, nuôi dạy những lớp trẻ chăm ngoan, khỏe mạnh. Theo cô Dung, quan niệm “thương cho roi cho vọt” không còn phù hợp trong xã hội hiện nay. Cô nghĩ “muốn dạy được trẻ, phải hiểu được trẻ”.

Do đó, vào đầu mỗi năm học, cô Dung thường dành nhiều thời gian quan sát, trò chuyện để tìm hiểu tính cách, sở thích của từng trẻ để có thể phát huy khả năng, sở trường của mỗi bé. Những trường hợp trẻ tự kỷ hay tăng động, cô có phương pháp giáo dục riêng. Những bé ít nói, thích một mình thì cô tập cho bé tham gia các hoạt động tập thể nhiều hơn. Các bé tăng động thì tổ chức hoạt động để bé tập trung.

Cô Dung chia sẻ, công việc của GV mầm non không chỉ gói gọn trong những giờ dạy trên lớp mà còn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, bảo đảm cho các em có đủ sức khỏe để học tập, sinh hoạt. GV mầm non trước hết phải yêu nghề, mến trẻ, có cái tâm và trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ thì mới làm tốt công việc.

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Long Khê - Trần Thị Kim Y chia sẻ, hầu như phụ huynh nào cũng đều muốn con được học lớp cô Dung bởi sự chu đáo và quan tâm của cô. Bên cạnh công tác giảng dạy, cô Dung còn là Chủ tịch Công đoàn Trường Mẫu giáo Long Khê. Cô Dung có khả năng phát động phong trào nên những phong trào thi đua do cô dẫn dắt đều đạt thành tích cao.

Với nỗ lực không ngừng, cô Dung 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giải 3 Hội thi Sáng tạo đồ dùng, đồ chơi cấp tỉnh và nhiều thành tích nổi bật khác trong công tác giáo dục cũng như công đoàn.

“Người mẹ thứ hai” của trẻ

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai (SN 1988) - GV Trường Mầm non thị trấn Tân Trụ, đã thần tượng các thầy, cô của mình và quyết định sẽ theo nghề giáo.

“Đôi khi giáo viên mầm non đối diện với nhiều áp lực, nhưng nhìn thấy nụ cười, sự hồn nhiên, sự tiến bộ của các em, tôi quên đi nỗi vất vả và vui trong lòng” - cô Nguyễn Thị Tuyết Mai (Ảnh tư liệu)

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm mầm non, cô Mai được phân công về giảng dạy tại ngôi trường này đến nay đã được 9 năm. Nhớ lại kỷ niệm lúc mới vào nghề, khi ấy cô được Ban Giám hiệu phân công dạy lớp mầm. Đây là lớp nhỏ nhất, các bé chỉ mới 3 tuổi, lần đầu xa vòng tay cha mẹ để tập làm quen với môi trường tập thể nên tâm lý các bé chưa ổn định. Hiểu được điều này, cô luôn nhẹ nhàng quan tâm, dành hết tình cảm để các bé yên tâm và có cảm giác ở trường như ở chính nhà mình. Đến khi trẻ ổn định tâm lý, cô mới bắt đầu rèn trẻ đi vào nề nếp. Cô Mai dạy các trẻ từng tiếng “dạ”, “thưa”, đi, đứng, vệ sinh cá nhân.

“Nhìn các bé phát triển khỏe mạnh, chăm ngoan, khách đến lớp biết chào hỏi là niềm vui, động lực giúp tôi phấn đấu mỗi ngày” - cô Mai nói. Cô cũng quan tâm, phát huy năng khiếu cho trẻ. Trẻ có khả năng hội họa được cô hướng dẫn tập vẽ, trẻ nào thích ca hát được cô xếp vào đội văn nghệ của trường. Cô Mai cũng thường xuyên tập luyện, hướng dẫn các bé tham gia các cuộc thi vẽ tranh, hát, múa do trường, huyện tổ chức và đạt thành tích nổi bật.

Trước các cuộc thi, cô dành rất nhiều thời gian tập luyện cho các bé từng động tác múa, nét vẽ. Cô cũng động viên tinh thần, không la rầy khi các bé làm sai mà nhẹ nhàng chỉ bảo. Trẻ đạt nhiều thành tích, kết quả tốt thì GV tạo được niềm tin với phụ huynh. Bên cạnh kỹ năng nghề nghiệp vốn có, cô Mai không ngại khó khăn, vất vả để học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề thông qua việc tự nghiên cứu, tham khảo các phương pháp, hình thức tổ chức dạy trẻ của đồng nghiệp; học qua sách, báo, Internet,...

Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Tân Trụ - Trần Thị Liến nhận xét: Là GV trẻ, cô Mai luôn tích cực trong mọi công tác, phong trào thi đua của trường. Cô chăm sóc trẻ chu đáo, được nhiều phụ huynh tin tưởng. Nhiều năm liền, cô Mai đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm học 2019-2020; GV giỏi cấp tỉnh, GV giỏi đổi mới phương pháp,...

Với tất cả tình yêu nghề, mến trẻ, quyết tâm đào tạo “mầm non” trở thành người có ích cho xã hội, cô Dung và cô Mai đã làm theo lời dạy của Bác và trở thành “người mẹ thứ 2” của trẻ./.

Trà Long

Chia sẻ bài viết