Tiếng Việt | English

14/08/2024 - 15:34

Khi người nghèo được tiếp cận chính sách giảm nghèo

Nhờ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các chính sách, dự án (DA) giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đến với người nghèo một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đây cũng là quyết tâm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về thực hiện DA số 2 về Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Anh Nguyễn Thanh Phong (xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ) được hỗ trợ con bò từ Dự án số 2 về Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo

Khó cũng phải làm

Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Long An thực hiện 6/7 DA của chương trình: Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin và Nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá chương trình. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện các DA còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc thực hiện DA số 2 về Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Đặng Ngọc Tảo cho biết: “Nguyên nhân DA số 2 khó thực hiện vì nhận thức của người nghèo còn hạn chế; một số hộ nghèo không còn trong độ tuổi lao động, không có khả năng lao động, chủ yếu là người bệnh nan y, neo đơn; chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm, hiểu hết ý nghĩa của DA; chưa có DA, phương án sản xuất phù hợp;... Xác định được những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai DA số 2, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn; đồng thời, tổ chức đoàn đến kiểm tra, giám sát ở các địa phương để có phương án tháo gỡ kịp thời, với quyết tâm khó cũng phải làm”.

"DA số 2 về Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo mang lại cho người dân nhiều lợi ích. Khi tiếp cận DA này, người dân được hỗ trợ con giống, vật nuôi, mỗi DA được hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng, thời gian hoàn trả vốn tối đa 36 tháng. Người dân thuộc các đối tượng của DA số 2 có thể đến UBND cấp xã nơi cư trú để được hướng dẫn tham gia. Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức học tập kinh nghiệm, mô hình hiệu quả của các tỉnh có điều kiện tương đồng về địa lý để áp dụng tại địa phương mình; kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong triển khai DA”.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Đặng Ngọc Tảo

Dự án đến tay người dân

DA số 2 về Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được nguồn ngân sách Trung ương phân bổ 24 tỉ đồng. Đối tượng tham gia DA số 2 là người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi toàn tỉnh; người dân sinh sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Đức Huệ là một trong những địa phương đầu tiên triển khai DA số 2 đến với người nghèo. Phòng LĐ-TB&XH huyện chọn xã Bình Hòa Bắc triển khai, thực hiện DA với 19 hộ tham gia. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản.

Ông Hoàng Văn Được (xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ) là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn tỉnh tiếp cận Dự án số 2 về Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo


Ông Hoàng Văn Được (xã Bình Hòa Bắc) là hộ cận nghèo của xã. Ông sống neo đơn, thu nhập chủ yếu bằng nghề làm mướn “ngày có, ngày không”. Mơ ước có được 1 con bò để chăn nuôi của ông nay đã thành hiện thực. Ông Được bộc bạch: “Được hỗ trợ con bò, tôi mừng lắm! Tôi tận dụng đất xung quanh nhà trồng cỏ nuôi bò. Cảm ơn sự hỗ trợ của các cấp, các ngành dành cho tôi”.

Niềm vui của ông Được cũng là niềm vui của anh Nguyễn Thanh Phong (xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ), bởi anh được hỗ trợ 1 con bò giống từ DA số 2. Ngày nhận được bò giống, anh không kìm được xúc động. Anh Phong nói: “Nhận được bò giống, tôi rất mừng! Tôi tất bật làm chuồng nuôi, chăm sóc tốt, hy vọng vài năm sau sẽ có được một đàn bò số lượng lớn”.

Đối với người nghèo, được tiếp sức kịp thời giúp có thêm động lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống. Và tin chắc rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, các DA trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững sẽ đến với người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, trong đó có DA số 2 về Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo./.

Tiếp sức cho hộ nghèo vươn lên

 

Tiếp sức cho hộ nghèo vươn lên 

Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và nỗ lực của người dân, hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của huyện Châu Thành đạt kết quả tích cực.

Kim Ngân

Chia sẻ bài viết