Tiếng Việt | English

05/07/2024 - 10:16

Đa dạng hóa sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế tạo động lực thoát nghèo được thực hiện nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Long An.

Mô hình giảm nghèo của huyện Cần Đước mang lại thu nhập ổn định cho người dân (Trong ảnh: Hỗ trợ con giống gà nòi thịt cho người dân)

Góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Dự án (DA) đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được thực hiện nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững; tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cuối năm 2021, toàn tỉnh có 6.296 hộ nghèo (chiếm 1,31%). Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 3.654 hộ (chiếm 0,75%) và dự kiến cuối năm 2024, còn 3.106 hộ nghèo (chiếm 0,60%).

Tại huyện Cần Đước còn có mô hình nuôi vỗ béo trâu thịt, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai, hiện nay, có nhiều DA đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được thực hiện như nuôi bò sinh sản, nuôi tôm nước lợ, nuôi gà nòi thịt theo hướng an toàn sinh học,...

Sở thường xuyên tổ chức cho cán bộ cấp huyện tham quan, học tập kinh nghiệm về thực hiện DA đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn giúp các địa phương thực hiện tốt DA.

Sở thường xuyên kiểm tra, giám sát, hỗ trợ cấp huyện thực hiện DA, bảo đảm DA được thực hiện đúng đối tượng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Trên cơ sở nguồn vốn được giao, UBND huyện Cần Đước xây dựng kế hoạch, giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện làm chủ đầu tư, phối hợp UBND các xã, thị trấn nắm các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để tập hợp thành tổ, nhóm tham gia các mô hình, DA.

Năm 2023, huyện xây dựng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã: Long Định, Tân Chánh, Long Hựu Tây và Long Hựu Đông với 60 hộ tham gia (9 hộ nghèo, 27 hộ cận nghèo, 3 hộ thoát nghèo và 21 hộ khuyết tật không có sinh kế ổn định) các DA, mô hình như nuôi bò sinh sản theo hướng an toàn sinh học; nuôi vỗ béo trâu thịt; nuôi cá lóc đầu nhím trong vèo lưới và nuôi gà nòi thịt theo hướng an toàn sinh học.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hai (SN 1954, ngụ ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) thuộc diện hộ cận nghèo. Vợ ông bệnh hơn 20 năm nay, mọi việc trong gia đình đều do ông quán xuyến; đồng thời, để có tiền chạy chữa bệnh cho vợ nên hầu như tài sản trong nhà đều đã bán hết.

Cuối năm 2023, gia đình ông được hỗ trợ 250 con gà nòi thịt để nuôi. Ông Hai chia sẻ: “Tôi được tập huấn, đi học tập kinh nghiệm ở tỉnh Bến Tre để có thêm kiến thức nuôi gà nòi, bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao. Khi nhận gà về nuôi, ở xã cũng theo sát, hỗ trợ rất nhiệt tình”.

Ông Nguyễn Văn Hai (ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) tự sáng chế máy ấp trứng từ những vật liệu đơn giản, tiết kiệm gần 4 lần so với mua máy mới và năng suất cũng cao hơn gấp 2 lần

Sau khoảng 3 tháng, ông Hai bán được lứa gà đầu tiên, lợi nhuận khoảng 23 triệu đồng. Hiện nay, ông tiếp tục đầu tư nuôi gà để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho vợ. Để tiết kiệm chi phí, ông còn sáng chế ra máy ấp trứng từ những vật liệu đơn giản, tiết kiệm gần 4 lần so với mua máy mới và năng suất cũng cao hơn gấp 2 lần.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông - Đặng Thanh Hòa cho biết, DA đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của huyện năm 2023 hỗ trợ 15 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã nuôi gà nòi thịt theo hướng an toàn sinh học (250 con gà nòi/hộ).

Trong năm, có 5 hộ thoát nghèo, có thêm động lực để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Thông qua DA cũng là nền tảng để xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương.

Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ

Là huyện biên giới, Tân Hưng luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh và sự vận động tài trợ của các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương.

Đến nay, huyện được nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động tài trợ 560 con bò giống cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Qua đó, mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ bò giống từ nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, gia đình ông Nguyễn Văn Niểng (SN 1968, ngụ ấp 1, xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng) có thêm nguồn thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.

Ông Niểng cho biết, trước đây, “ai thuê gì làm đó”, thu nhập của gia đình chỉ đủ sống qua ngày. Sau khi nhận bò về nuôi, gia đình ông chăm sóc theo hướng dẫn của địa phương, bò phát triển tốt và sinh sản thêm 2 con bò con.

Hiện nay, ông Nguyễn Văn Niểng (ấp 1, xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng) duy trì chăn nuôi bò, kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn

Ông Niểng tâm sự: “Năm rồi, tôi bị bệnh nặng, cần tiền chữa trị gấp nên gia đình bán 2 con bò (khoảng 20 triệu đồng/con) để có tiền trị bệnh. Tôi rất biết ơn nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình tôi”. Được biết, con bò giống của ông Niểng đang mang thai và ông vẫn tiếp tục duy trì nuôi bò để tạo kinh tế ổn định cho gia đình.

Từ hiệu quả trên, xác định đa dạng hóa sinh kế là giúp người nghèo có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, huyện Tân Hưng tiếp tục thực hiện các DA, mô hình đa dạng hóa sinh kế tới các xã, thị trấn.

Từ nguồn vốn được cấp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, huyện Tân Hưng yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, xét duyệt và cấp phát hỗ trợ vật nuôi để người dân phát triển kinh tế.

Là một trong những hộ được hỗ trợ từ DA, chị Phạm Thị Thúy (SN 1995, ngụ ấp 1, xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng) bộc bạch: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã, rất chật vật để kiếm sống và nuôi con.

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cuối năm 2023, gia đình tôi được nhận 2 con bò thịt. Tôi tích cực chăm sóc theo hướng dẫn của địa phương để bò phát triển tốt. Đến nay, bò đã lớn, đợi được giá, gia đình tôi sẽ bán và tiếp tục đầu tư để nuôi thêm”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng - Nguyễn Trường Sơn, thực hiện DA đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, xã được nhận 32 con bò thịt và đã trao cho 16 hộ.

Đến nay, đã giúp 7 hộ trên địa bàn xã thoát nghèo và 25 hộ thoát cận nghèo, không có trường hợp tái nghèo. “Kể từ khi triển khai, thực hiện mô hình, xã luôn tích cực tuyên truyền, phổ biến DA giảm nghèo, nhiều hộ trong xã chủ động cải tạo khu vực chăn thả gia súc, chuồng trại để đáp ứng điều kiện chăn nuôi hiệu quả. Đây là tín hiệu rất đáng mừng trong thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương” - ông Nguyễn Trường Sơn thông tin.

Với sự quyết tâm, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, DA, nhất là DA đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; cùng với nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với các chính sách phát triển KT-XH và giảm nghèo của tỉnh đã và đang góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Qua đó, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh./.

Các đoàn thể - 'Cánh tay đắc lực' trong công tác giảm nghèo

Các đoàn thể - 'Cánh tay đắc lực' trong công tác giảm nghèo 

Bằng sự sáng tạo, nhiệt tình, các đoàn thể tại nhiều địa phương phát huy vai trò tích cực trong công tác giảm nghèo qua những mô hình hiệu quả, thiết thực.

Khánh Duy - Thu Thảo

Chia sẻ bài viết