Tiếng Việt | English

22/02/2023 - 14:09

Người dân chung tay phòng, chống hạn, mặn

Chấp hành tốt khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đóng góp kinh phí hoàn thiện hạ tầng,... là cách người dân chung tay cùng các cấp, các ngành phòng, chống hạn, mặn, góp phần bảo vệ vùng sản xuất, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Lang (ấp 8, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) chủ động các biện pháp phòng, chống hạn, mặn, góp phần bảo vệ vùng sản xuất

Mùa khô năm 2022-2023, nông dân xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An chủ động giảm diện tích trồng rau, thay vào đó là tận dụng chân ruộng để trồng các loại rau màu. Với cách làm này, nông dân giúp đất được nghỉ ngơi, cải tạo, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lâm - Huỳnh Thanh Đông cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những mùa khô trước, nông dân chủ động giảm diện tích trồng rau và chỉ gieo sạ lúa 2 vụ/năm. Nếu trồng mùa này, rau phát triển không tốt, năng suất không đạt dẫn đến lợi nhuận không cao. Giờ đây, đa số người dân tận dụng chân ruộng để trồng các loại rau màu”.

Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, huyện Tân Trụ gieo sạ trên 5.000ha. Hiện các trà lúa trong giai đoạn làm đòng hoặc trổ chín. Do đó, nguồn nước đáp ứng tốt nhu cầu vụ lúa Đông Xuân đến khi thu hoạch. Để đạt kết quả này, người dân chấp hành tốt khuyến cáo của ngành Nông nghiệp trong việc gieo sạ đúng lịch thời vụ. Ông Trần Phi Hùng (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) bộc bạch: “Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, gia đình trồng 1ha lúa, với giống Đài thơm 8. Hiện lúa được trên 60 ngày, chưa xảy ra tình trạng thiếu nước. Năm nay, thời tiết thuận lợi, ít sâu, bệnh nên chi phí đầu vào giảm, nông dân ai cũng phấn khởi. Với tình hình này, hy vọng nông dân sẽ có được vụ mùa bội thu”.

Xã Lương Hòa, huyện Bến Lức là một trong những địa phương có diện tích trồng chanh lớn nhất huyện. Mùa hạn, mặn năm 2015-2016, nông dân chủ quan lấy nước mặn tưới cho cây chanh; đồng thời, không có biện pháp tích trữ nước. Điều này làm một số cây chanh bị vàng lá dẫn đến chết. Rút kinh nghiệm từ những mùa hạn, mặn nên trước khi mùa khô đến, nông dân chủ động nạo vét kênh, mương, tích trữ nước và áp dụng các biện pháp tưới nhỏ giọt, tiết kiệm, tăng cường bón phân hữu cơ, các loại khoáng vi lượng, ủ rơm rạ trên gốc,...

Ông Nguyễn Văn Lang (ấp 8, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) cho biết: “Gia đình trồng trên 1ha chanh. Khi các ngành chức năng thông báo nông dân lấy nước dự trữ, tôi chủ động bơm nước vào các mương để tưới cho cây chanh. Việc nạo vét mương thường xuyên cộng với áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên vào mùa khô, nguồn nước dự trữ đủ tưới cho cây chanh, ít xảy ra tình trạng thiếu nước”.

Người dân kiến nghị xây cống ngăn mặn tại vàm Thị Lái

Điểm nổi bật trong công tác phòng, chống hạn, mặn tại xã Lương Hòa còn là việc huy động sức dân làm các bộng dẫn nước vào phục vụ sản xuất. Cụ thể tại vàm Thị Lái, năm 2019, người dân đóng góp xây dựng 3 bộng, mỗi bộng bình quân 160 triệu đồng để tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất trên 200ha.

Trưởng ấp 8, xã Lương Hòa - Phan Thanh Hùng thông tin: “Các bộng này đều do người dân đóng góp kinh phí và trực tiếp quản lý. Khi các ngành chức năng thông báo lấy nước vào, người dân chủ động mở nắp bộng và ngược lại, từ đó, giải quyết tốt tình trạng mặn xâm nhập vào nội đồng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Tuy nhiên, đến nay, 3 bộng trên không còn đáp ứng tốt nhu cầu lấy nước của người dân vì đã xuống cấp. Do đó, người dân kiến nghị các ngành chức năng đầu tư xây dựng cống ngăn mặn tại vàm Thị Lái”.

Hàng năm, sau Tết Nguyên đán, hạn, mặn bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều địa phương Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Long An, nhưng nhờ chủ động trữ nước và ý thức của người dân, đến nay, hạn, mặn vẫn chưa ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, mực nước nội đồng vẫn còn dồi dào./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết