Nhờ trồng rau, cuộc sống gia đình bà Phan Thị Kim Hoàng ổn định hơn
Vượt khó
Tình duyên không trọn vẹn, ở độ tuổi gần 40, bà Hoàng một mình nuôi người con trai nhỏ. Biết bao khó nhọc “nặng oằn” trên đôi vai gầy của người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé. Từ sự yêu thương con vô bờ bến và sự động viên, hỗ trợ của gia đình, bà có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.
Ngày đó, ở vùng quê này, nhà nhà, người người đều sinh sống bằng nghề trồng rau. Bà Hoàng cũng không ngoại lệ. Ngày ngày, bà “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để cải thiện kinh tế gia đình. Tờ mờ sáng, bà thức giấc để chuẩn bị mọi thứ trong gia đình rồi tất bật với những luống rau xanh mướt ở gần nhà. Ngày qua ngày, cuộc sống của bà cũng chỉ loay hoay với trồng rau, giá cả bán ra phải phụ thuộc vào thương lái và sự lên xuống thất thường của thị trường.
Bà nói: “Làm nông nghiệp vất vả lắm! Lúc nào cũng phập phồng, lo lắng tình trạng “được mùa, rớt giá”; buôn bán phải phụ thuộc vào thương lái nên lợi nhuận sau khi thu về cũng không có là bao. Tôi dự định thay đổi cung cách làm ăn nhưng bước đầu thực hiện còn lắm khó khăn. Thế rồi, tôi tham gia công tác Hội Phụ nữ, được đi tập huấn, tiếp cận thị trường, bắt đầu làm quen với nhiều nông dân làm ăn có uy tín khác. Tôi học hỏi ở họ rất nhiều kinh nghiệm. Từ đó, tôi nghĩ, mình siêng năng, chịu cực thôi vẫn chưa đủ, nhất là trong điều kiện hiện nay, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến chất lượng nông sản. Do đó, sản phẩm mình làm ra phải bảo đảm sạch, bảo vệ được sức khỏe của người tiêu dùng thì mới được khách hàng ưa chuộng. Tôi cũng nhận thức được, nông dân cần liên kết với nhau để tạo ra chuỗi hàng hóa có giá trị mới có sức cạnh tranh trên thị trường”.
Từ suy nghĩ phải làm thay đổi thói quen của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, bà vận động, tập hợp một số thành viên có diện tích trồng rau gần nhà để hình thành nên tổ hợp tác trồng rau do bà làm tổ trưởng.
Sơ chế rau tại Hợp tác xã Phước Điền
Thành lập hợp tác xã
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, tổ hợp tác trồng rau sau nhiều năm hoạt động vừa được bà thành lập HTX Công nghệ cao Phước Điền.
Tham gia HTX, các thành viên thường xuyên được cung cấp thông tin, tư vấn, trang bị kiến thức, kỹ thuật canh tác rau sạch. Nhờ áp dụng quy trình trồng và chăm sóc hoàn toàn bằng phân hữu cơ vi sinh nên các loại rau thơm và rau ăn lá của HTX bán rất chạy trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM, góp phần tạo nguồn thu ổn định cho các thành viên HTX.
Hiện tại, HTX có khoảng 10 thành viên. Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 500kg rau. Bà Hoàng rất bận rộn. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa lo chuyện “đối nội”, “đối ngoại”, ấy vậy mà bà vẫn chu toàn. Khó khăn với bà có lẽ là những đơn đặt hàng gấp từ những bếp ăn tập thể. Những lúc như vậy, bà cùng một số thành viên HTX phải thức đêm để làm cho kịp. Thỉnh thoảng, có những HTX khác đề nghị HTX Phước Điền cung cấp thêm rau để bỏ ngoài thị trường, bà vẫn nhận lời.
Bà cho rằng, thời gian qua, bà được chính quyền địa phương cũng như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã, Hội Nông dân xã mời tham dự các lớp tập huấn về tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Bà cũng được hội hướng dẫn, giúp đỡ tận tình những thủ tục hành chính để thành lập HTX. Từ khi thành lập HTX đến nay, công việc làm ăn thuận lợi hơn trước. Thời gian tới, bà hy vọng sẽ được cấp giấy chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm; mong muốn sẽ tìm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm để giúp ích cho các thành viên HTX.
Bà nói: “Tôi không ngại khi hơn nửa đời người mới khởi nghiệp. Tôi cho rằng, tâm lý bước vào kinh doanh là đối diện với chông gai, thử thách, thậm chí thất bại. Khởi nghiệp cũng không cần phải có những ý tưởng cao siêu, số vốn hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng. Ở độ tuổi nào, với một số vốn nhất định, phụ nữ cũng có thể khởi nghiệp nếu có một kế hoạch chi tiết, một quyết tâm cao. Giờ đây, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh trở thành “cầu nối”, “bà đỡ”. Vì vậy, chẳng có lý do gì để phụ nữ không dám vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Hồng cho biết, thời gian qua, các cấp hội trong huyện làm tốt phong trào giúp phụ nữ làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nhất là hỗ trợ vốn cho phụ nữ khởi sự kinh doanh.
Thực hiện Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30-6-2017 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, hội có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Đó là hỗ trợ kinh phí để các chị mở tiệm tạp hóa, quán ăn, quầy thuốc tây, mua máy xe nhang, may gia công, mua bán gia cầm,… Từ năm 2017 đến nay, hội giúp vốn cho trên 90 phụ nữ với số tiền hơn 2,1 tỉ đồng. Ngoài ra, Huyện hội còn hỗ trợ phương tiện, kiến thức cho các chị khởi nghiệp; tổ chức Hội thi “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”;…/.
Thanh Nga