Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (PNKN) giai đoạn 2017-2025 (gọi tắt là Đề án 939) được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2017 mang đến “làn gió mới” trong phong trào PNKN. Từ đó, tạo cơ hội, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, hỗ trợ PNKN, phát triển doanh nghiệp, đồng thời thực hiện bình đẳng về giới trên nhiều lĩnh vực,...
“Thắp lửa” khởi nghiệp
Khi chúng tôi đến, chị Trần Thị Hồng Nhung, ngụ khu phố Nhơn Hậu, phường Tân Khánh, TP.Tân An, đang làm công việc của “đấng mày râu” - đứng máy trộn bêtông trước nhà. Chị nói do công việc gấp gáp nên chị phải làm cho kịp để chỉnh trang lại cơ sở gia công cọ sơn xây dựng. Nhờ đầu tư vào lĩnh vực “không đụng hàng”, cơ sở của chị phát triển ổn định.
Vừa làm, chị Trần Thị Hồng Nhung vừa hướng dẫn cho lao động tại cơ sở
Rửa vội đôi tay, chị Nhung dẫn chúng tôi đi xem một số nhân công đang gia công cọ sơn cho gia đình chị. Đôi tay thoăn thắt, chị vừa kiểm tra hàng vừa kể về hành trình khởi nghiệp.
Chị cho hay, trước đây bản thân ở nhà làm ruộng. Đến khi lập gia đình, cả hai vợ chồng được ba mẹ cho mảnh đất để cất căn nhà nhỏ. Khi hai người con trai chào đời, vì miếng cơm, manh áo, chị bươn chải mưu sinh bằng nghề vốn không dành cho PN chân yếu, tay mềm. Đó là theo chồng đi phụ hồ. Hàng ngày dầm mưa, dãi nắng, lặn lội trên những công trình nhưng số tiền chị kiếm được không đáng là bao! Sau đó, chị để con cho chồng chăm sóc, lên TP.HCM làm công nhân cho một công ty chuyên về làm cọ sơn xây dựng. Cũng từ đây, ý tưởng khởi nghiệp của chị bắt đầu. Tại cơ sở, nhờ chịu khó, siêng năng và tìm tòi học hỏi, công việc của chị thuận lợi và được lãnh đạo tin tưởng. Sau gần 4 năm tích lũy kinh nghiệm, chị về quê mở cơ sở, nhận gia công cọ sơn cho công ty cũ.
Nhìn những cây cọ rất đơn giản nhưng theo chị, có đến khoảng 30 công đoạn để hoàn thành. Người làm cần tỉ mỉ, khéo léo qua từng công đoạn. Loại sản phẩm này cũng có rất nhiều chủng loại, cọ sơn sắt có yêu cầu khác với cọ chuyên quét vôi, đánh vécni trên gỗ.
Thời gian đầu, cơ sở sản xuất theo quy mô hộ gia đình với lao động chính là các thành viên trong nhà. Hiện cơ sở chị tạo việc làm cho 10 lao động nông thôn, chủ yếu là lao động nữ lớn tuổi, những người nuôi con nhỏ.
“Lúc mới về đây, tôi cũng gặp khó khăn. Cơ sở nhỏ, chỉ có vài người làm việc. Tuy nhận hàng gia công nhưng mình phải chủ động, cần có không gian làm việc và nơi để sản phẩm đến việc xây dựng con đường nhỏ dẫn vào nhà,... Cần nhất vẫn là nguồn vốn để lập nghiệp. Gần đây, tôi được Hội Liên hiệp PN Việt Nam phường giới thiệu vay 50 triệu đồng để khởi nghiệp. Hơn 2 năm thành lập cơ sở và tham gia tổ liên kết, tôi cho rằng, có thể nhiều người nhận định PNKN ở tuổi 40 là muộn nhưng với tôi, chỉ cần PN chịu khó, tự tin thì bất cứ độ tuổi nào vẫn có thể “thắp lửa” khởi nghiệp” - chị nói.
Từ sự kiên trì
“Bạn đừng nản lòng, có áp lực rồi mới thành công” - chị Trần Thị Thúy Vân, ngụ ấp 2, xã Long Sơn, huyện Cần Đước, chủ tiệm uốn tóc và dịch vụ trang điểm, chia sẻ với chúng tôi khi nói về công việc hiện tại.
“Khởi nghiệp cần có đam mê” - chị Trần Thị Thúy Vân chia sẻ
Ngày ấy, đến tuổi lao động, chị Vân rời gia đình và xin làm công nhân một công ty tại TP.HCM. Ngày tháng trôi qua, chị cứ sáng sớm đi làm, tối về sinh hoạt tại căn nhà trọ nhỏ. Rồi chị lập gia đình và có con nhỏ, với đồng lương ít ỏi từ công nhân, chị hiểu không thể nào lo cho các con được trọn vẹn ở mảnh đất Sài thành. Với ý nghĩ phải có một nghề trong tay và làm chủ bản thân, chị đăng ký học nghề cắt tóc, trang điểm và làm không công cho chủ một thời gian.
Đến với nghề tóc với chị cũng là duyên tình cờ. Sau thời gian học việc, chị bàn với chồng về quê nhà Long Sơn để mở tiệm. Chị cho biết, bắt đầu khởi nghiệp, mọi thứ với chị đều mới mẻ, không hề đơn giản, nhất là trong điều kiện eo hẹp tài chính. “Tôi rất lo lắng bởi cửa tiệm mới mở khá nhỏ, không được đầu tư nhiều nên khách hàng sẽ e dè khi sử dụng các dịch vụ của mình. Lần đầu làm chủ, số tiền kiếm được tuy khiêm tốn nhưng lúc đó, tôi vẫn thấy phấn khích và lạc quan” - chị nói.
Chị Vân nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp với bao khó khăn, vất vả: “Tiệm tóc này được xây dựng đơn sơ, chỉ là những cây, lá tạm bợ; nguyên liệu ngành tóc cũng không có gì đáng kể. Khách biết đến tiệm chủ yếu là những người dân lân cận thông qua hình thức truyền miệng. Sau này, nhờ các chị ở Hội Liên hiệp PN huyện cho mượn vốn, tôi sửa lại”. Nhờ tay nghề khéo cùng với cách nói chuyện thân thiện, có duyên, hiện nay khách không chỉ đến tiệm chị để làm các dịch vụ mà chị còn nhận làm tóc, trang điểm đám cưới, đi tiệc theo địa điểm khách hàng yêu cầu.
Khởi nghiệp đối với tôi không cần quá cao xa mà chỉ đơn giản có một việc làm ổn định để phụ chồng nuôi các con ăn học là đã thành công. Tôi nghĩ rằng, làm bất cứ việc gì cũng cần đam mê và tận tâm với nghề. Mình siêng năng, gắn bó với nghề thì nghề cũng sẽ “đền đáp” - chị bộc bạch.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp PN Việt Nam huyện Cần Đước - Lại Thị Kim Minh thông tin, PN khởi nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Huyện hội chủ động thành lập câu lạc bộ “Hỗ trợ PNKN và khởi sự kinh doanh” với 20 thành viên. Những thành viên này tự nguyện góp vốn với số tiền 20 triệu đồng để xét hỗ trợ những trường hợp sáng tạo, khởi nghiệp. Số tiền cho mượn tuy không nhiều nhưng đây là “vốn mồi” giúp các chị có thêm động lực để khởi nghiệp. Sau khi chị Vân ở xã Long Sơn hoàn vốn, câu lạc bộ đã xét hỗ trợ chị Nguyễn Thị Mỹ Trang ở xã Long Hựu Đông để buôn bán tạp hóa.
Khởi nghiệp vốn đã là bài toán khó, PN khởi nghiệp dường như còn gặp trở ngại lớn hơn rất nhiều so với “đấng nam nhi”. Tuy nhiên, trên hành trình khởi nghiệp, nếu PN kiên trì, nỗ lực thì chắc chắn sẽ thành công./.
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ (PN) khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 với mục tiêu nâng cao nhận thức của PN về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 90% cán bộ hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ PN về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên PN được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 20.000 PN khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do PN quản lý; 100.000 doanh nghiệp của PN mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
|
(còn tiếp)
Thanh Nga
Bài 2: Vượt khó khởi nghiệp