Tiếng Việt | English

23/10/2019 - 11:35

Chuyện về những người phụ nữ khởi nghiệp

Bài cuối: Cùng phụ nữ khởi nghiệp

Ngày nay, không chỉ có nam giới là trụ cột trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình mà phụ nữ cũng ngày càng năng động, bản lĩnh và tự tin khởi nghiệp. Dù bước đầu còn lắm khó khăn nhưng nhiều hội viên, phụ nữ trong tỉnh Long An vẫn khởi nghiệp thành công.

Khi quyết định startup hay lập nghiệp riêng, chắc chắn bạn sẽ phải chấp nhận những rủi ro cũng như thử thách, khó khăn. Đối với phụ nữ (PN), khó khăn này sẽ nhân lên gấp bội. Trên hành trình khởi nghiệp, tổ chức hội luôn đồng hành cùng các chị.

Vô vàn khó khăn

Tỷ lệ PN trong tỉnh hiện nay chiếm hơn 50% dân số. Lực lượng lao động nữ ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong tỉnh chiếm tỷ lệ khá nhiều. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, PN chủ yếu làm chủ doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.Khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của PN còn rất hạn chế. Phần đông PN là lao động giản đơn, thu nhập thấp, thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định còn nhiều; việc gắn kết giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm còn bất cập.

Khởi nghiệp giúp phụ nữ có thêm nhiều kiến thức, tiếp cận thị trường

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) tỉnh, với đặc tính giới, PN cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Những định kiến tồn tại lâu đời liên quan đến gia đình và các con khiến PN cũng ít có cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại hay cơ hội được đào tạo, giao lưu, học hỏi.

Ngoài ra, việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ PN khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là kinh phí hoạt động, nguồn vốn để hỗ trợ PN khởi nghiệp khi họ có nhu cầu. Bên cạnh đó, bản thân các cán bộ hội cũng chưa hiểu hết giá trị của đề án nên việc triển khai ở một số nơi chưa thật sự hiệu quả.

Chủ tịch Hội LHPNVN TP.Tân An - Nguyễn Thị Ngọc Dư thông tin, qua hoạt động khởi sự kinh doanh, đến nay hội hỗ trợ trên 30 PN khởi nghiệp với số tiền khoảng 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, hội nhận thấy, phong trào này hiện còn gặp nhiều vướng mắc. Trước hết, nhiều PN chưa có ý tưởng hình thành dự án kinh doanh; các bước hiện thực hóa dự án khởi nghiệp; làm sao để phát triển và tìm đầu ra cho sản phẩm; kết nối thị trường;… Thời gian tới, hội tiếp tục hỗ trợ kiến thức cho hội viên, PN; tổ chức nói chuyện chuyên đề; mở lớp bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp cơ bản; khảo sát nhu cầu khởi nghiệp của PN; hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ vốn vay,…Ngoài ra, động viên PN mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp, thay đổi phương thức sản xuất manh mún sang thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, kết nối với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm. 

Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm cho biết, khởi nghiệp là hoạt động mới trong công tác hội và phong trào PN thời gian gần đây. Vì vậy, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Đến nay, phong trào PN khởi nghiệp tập trung nhiều ở các địa phương như TP.Tân An, các huyện Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc,… Thông qua việc tổ chức tập huấn; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thuộc các tổ hợp tác của PN hoặc mang đặc thù của địa phương;…Từ đó, giúp các chị quảng bá sản phẩm và tiếp cận thị trường.

Giới thiệu sản phẩm tiêu dùng của phụ nữ

Tuy nhiên, bà Thắm cũng cho rằng, Đề án 939 được tỉnh triển khai thực hiện đang mở ra nhiều cơ hội để PN khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, góp phần vào sự phát triển KT-XH tỉnh nhà.

“Thực hiện đề án khởi nghiệp cho PN, chúng tôi sẽ đồng hành cùng các chị em trên lĩnh vực khởi sự, kinh doanh. Hội cũng có nhiều thuận lợi như nhận được sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời giữa các ngành, các đơn vị, sự hỗ trợ về truyền thông,… và quan trọng nhất là sự hưởng ứng của chị em PN trong tỉnh về đề án này. Đây cũng là động lực vô cùng to lớn để chúng tôi thực hiện tốt vai trò cầu nối
của mình” - bà Thắm nói.

Hội cũng xác định Đề án 939 là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, giúp các cấp Hội LHPNVN trong tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ PN phát triển kinh tế một cách bài bản. Khi triển khai đề án này, mong mỏi lớn nhất của các cấp Hội LHPNVN trong tỉnh cũng như chị em hội viên, PN là có được kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho bản thân và cộng đồng. Hiện nay, Hội LHPNVN tỉnh đang đề ra các hoạt động đột phá trong hỗ trợ PN phát triển kinh tế; tăng giàu, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, các cấp Hội LHPNVN tỉnh sẽ bám sát vào các hoạt động này để hỗ trợ chị em hội viên, PN tập huấn nâng cao năng lực khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đồng thời, tạo điều kiện cho chị em PN học nghề, phát triển nghề nghiệp,… Song song đó, hội mong muốn nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp, các sở, ngành tỉnh để Đề án 939 được thực hiện tốt nhất, giúp nhiều hội viên PN có điều kiện khởi nghiệp./.

Điểm mới của hoạt động này là thời gian gần đây, Tỉnh hội tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức Ngày PN khởi nghiệp, thi trưng bày các sản phẩm do hội viên PN thiết kế từ rác thải sinh hoạt; tổ chức khóa tập huấn khởi sự kinh doanh cho cán bộ hội, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ do nữ làm chủ; hàng năm tổ chức cho các hộ kinh doanh tham gia ngày hội việc làm kết nối doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm do Trung ương Hội tổ chức; triển khai thực hiện hoạt động truyền thông Đề án “Hỗ trợ PN khởi nghiệp” trên địa bàn tỉnh do Ban Công tác phía Nam hỗ trợ,...

Giữa nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp hội giúp trên 800 PN khởi sự kinh doanh, 16 ý tưởng khởi nghiệp, trong đó hỗ trợ hơn 600 PN tiếp cận nguồn vốn để kinh doanh các ngành nghề: Mở tiệm tạp hóa, quán ăn, mua máy xe nhang, bán hàng online, phụ tùng máy nổ, chăn nuôi bò sinh sản, trồng nấm bào ngư,... với tổng số vốn hỗ trợ 16 tỉ đồng.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết