Người dân không được chủ quan với bệnh sốt xuất huyết, nhất là đối với trẻ nhỏ
Nguy cơ cao tại các huyện công nghiệp
Vùng nguy cơ cao về SXH tập trung chủ yếu ở các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An. Trưởng phòng Y tế huyện Bến Lức - Nguyễn Thanh Xuân cho biết: “Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 146 bệnh nhân mắc SXH. Bến Lức có nhiều ổ dịch tái diễn nhiều năm liền như: Long Hiệp, Nhựt Chánh, thị trấn Bến Lức. Huyện tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp nên tỷ lệ dân nhập cư rất đông. Tổng số dân địa phương toàn huyện khoảng 110.000-115.000 người, trong khi đó, dân nhập cư khoảng 20.000 người. Điều kiện sinh hoạt tại các nhà trọ công nhân chật hẹp, môi trường ẩm thấp, vệ sinh không bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh”.
Trưởng trạm Y tế thị trấn Bến Lức - Hồ Thị Thanh Thúy thông tin, từ đầu năm đến nay, thị trấn ghi nhận 20 ca SXH. Địa phương có nhiều người nhập cư với khoảng 10.000 dân, 400 nhà trọ, tập trung đông nhất ở khu phố 8. Bên cạnh các đợt ra quân diệt lăng quăng phòng bệnh SXH, trạm thường xuyên đề nghị các cộng tác viên tăng cường vãng gia, tuyên truyền đến người dân biện pháp diệt lăng quăng cùng ý thức phòng bệnh SXH.
Ông Đoàn Phước Hưởng - chủ nhà trọ tại khu phố 8, thị trấn Bến Lức cho biết: “Nhà trọ của tôi có 170 phòng với khoảng 300 người thuê trọ, đa phần là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp xung quanh. Tôi thường xuyên nhắc nhở người thuê chú ý giữ gìn vệ sinh, thu gom rác, không để cho muỗi sinh sản để phòng bệnh SXH”.
Đức Hòa cũng là một trong những địa phương có số lượng người mắc SXH cao nhất tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Đức Hòa ghi nhận 381 ca mắc SXH. Trưởng phòng Y tế huyện Đức Hòa - Lê Văn Xành cho biết: “Đức Hòa có trên 200.000 dân địa phương cùng 40.000 dân nhập cư với trên 1.500 nhà trọ, chủ yếu tập trung tại 2 xã Đức Hòa Hạ và Đức Hòa Đông. 2 tuần gần đây, số ca mắc SXH có xu hướng tăng trở lại. Phòng Y tế huyện tổ chức phun thuốc, dập dịch diện rộng cho 2 xã Đức Hòa Hạ và Đức Hòa Đông, đồng thời, tăng cường xuống xóm, ấp điều tra mật độ muỗi, diệt lăng quăng cho các nhà trọ, khu dân cư”.
Đậy nắp lu, khạp chứa nước không cho muỗi đẻ trứng
Bệnh SXH chưa có thuốc đặc trị, chưa có thuốc phòng ngừa. Phòng, chống SXH chủ yếu là diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng ngừa muỗi đốt. Các dấu hiệu nhận biết bệnh SXH: - Sốt cao đột ngột kéo dài trên 2 ngày, khó hạ sốt. - Biểu hiện xuất huyết: Da có những vết đỏ, ấn không tan; chảy máu cam; chảy máu chân răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen. Chăm sóc khi bị sốt tại nhà: - Làm hạ sốt bằng cách lau mát bằng nước ấm toàn thân cho người bệnh. - Đưa người bệnh đến cơ sở y tế nếu thấy các dấu hiệu: Ói nhiều, tiểu ít, tay chân lạnh, đau bụng. |
Chủ động phòng bệnh SXH
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Long An - Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng, từ đầu năm đến tuần thứ 33 (hết ngày 14-8-2016), toàn tỉnh ghi nhận 1.400 ca mắc SXH, tăng 39% so với cùng kỳ (năm 2015 là 1.005 ca), giảm 6% so với số ca mắc trung bình 5 năm 2011-2015 (1.482 ca). Như vậy, dù tổng số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 nhưng hiện tại, số ca mắc trung bình mỗi tuần vẫn thấp so với cùng kỳ và thấp hơn số ca mắc trung bình 5 năm.
Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh SXH trong tỉnh tương đối ổn định. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 248 ổ dịch, xử lý 239/248 ổ, đạt 96%, các ổ dịch còn lại tiếp tục được xử lý. Nếu như những tuần đầu năm 2016, số ca mắc trung bình mỗi tuần là 70-80 ca với khoảng 10-15 ổ dịch thì nay chỉ còn khoảng 20-30 ca/1-2 ổ dịch nhỏ.
Những năm gần đây, cả khu vực phía Nam, SXH thường tập trung tại các huyện công nghiệp, chủ yếu là đối tượng dân nhập cư. SXH có 4 type, trong đó, Long An chủ yếu là type 1 và 2 nên người dân địa phương đã có miễn dịch. Với người dân nhập cư, người ngoại tỉnh chưa có miễn dịch ở các type này thì sẽ dễ mắc bệnh. Ngoài ra, điều kiện nhà trọ ẩm thấp tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Do đó, diệt lăng quăng là biện pháp dân gian nhưng cũng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa SXH cũng như bệnh Zika.
Nhìn chung, đỉnh dịch SXH thường tập trung vào các tháng 10, 11, 12. Hiện tại đang ở thời điểm cuối tháng 8, chuẩn bị bước qua tháng 9 nên dù dịch bệnh ổn định nhưng người dân tuyệt đối không được chủ quan. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chuẩn bị đầy đủ thuốc hóa chất phun xịt, cơ sở vật chất, trang thiết bị chống dịch; tăng cường giám sát những ca bệnh đầu tiên tại các ổ dịch, tránh để dịch lây lan kéo dài.
Nhằm ứng phó với nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát, ngành Y tế cần tuyên truyền cho người dân về tác hại cũng như sự nguy hiểm của bệnh SXH. Bên cạnh việc hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống SXH, khi thấy người có biểu hiện mắc bệnh SXH, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để chữa trị sớm nhất. Ngoài ra, ngành Y tế cũng tăng cường tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường tại cộng đồng như diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình và nơi công cộng nhằm tránh để bệnh có cơ hội phát triển thành dịch./.
Phạm Ngân