Tiếng Việt | English

02/11/2016 - 21:39

"Không tổ chức lại sản xuất, nông dân sẽ phải 'tự bơi' với sản phẩm"

Thành công của nhiều doanh nghiệp với mô hình ứng dụng công nghệ cao kết hợp cơ chế hợp tác công-tư cho thấy, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn là “mảnh đất vàng”.

Đại biểu Lê Công Đỉnh, đoàn Long An đang trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)Để hiểu rõ hơn, bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) đã có một số chia sẻ với VietnamPlus về ​mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

- Trên nghị trường, ông có nói đến vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vậy ông có thể cho biết thêm để thành công với mô hình này thì cần những điều gì?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Vấn đề nông nghiệp công nghệ cao đang đặt ra hết sức cấp thiết, tôi nghĩ đây là hướng duy nhất mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp phát triển và giúp cho người nông dân tăng thu nhập cũng như phát triển bền vững.

Có thể thấy, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh khi tham gia các Hiệp định tự do thương mại (FTA) đặc biệt là hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bởi lẽ không chỉ khi xuất khẩu mà ngay tại sân nhà, nếu không có chất lượng cao thì nông sản nước ngoài cũng sẽ lấn lướt.

Nhưng để thành công, theo tôi rất cần phải nêu vai trò trung tâm của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện nay, người nông dân vẫn còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong khi chúng ta đang thúc đẩy liên kết thành các tổ hợp tác xã thì phải rất cần vai trò của doanh nghiệp công nghệ cao, ở đây họ sẽ quyết định quy trình sản xuất, canh tác và hướng dẫn người nông dân về kỹ thuật để có đầu vào và đầu ra tiêu thụ nông sản.

- Các địa phương vừa qua đã thực hiện liên kết vùng nhằm tiêu thụ sản phẩm của nhau, vậy ông đánh giá thế nào về mô hình này với thực tế của Long An?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Chủ trương liên kết vùng đã có lâu rồi nhưng thực tế liên kết vùng tại một số tỉnh vẫn chỉ thực hiện trên giấy tờ là chính, còn việc triển khai rất cần có hạ tầng để các tỉnh có thể liên kết với nhau.

Vừa qua, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc liên kết tiểu vùng tại một số tỉnh Đồng Tháp Mười như Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp là mô hình rất thiết thực, cụ thể là liên kết về hạ tầng, liên kết về chuỗi tiêu thụ sản phẩm nhất là nông sản.

Khi làm việc này, tỉnh cũng kiến nghị là cần thúc đẩy với vai trò và sự vào cuộc của các Bộ, ngành Trung ương trong việc huy động vốn, đầu tư các công trình mang tính chất kết nối giữa các tỉnh.

- Vậy làm nông nghiệp công nghệ cao như ông nói, nhiều doanh nghiệp cũng đã khởi động, nhưng để giải quyết câu chuyện nông dân "tự bơi" với các sản phẩm của mình, theo ông cần những chính sách gì?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Tôi có nói vấn đề này, nếu như chúng ta không liên kết tổ chức lại sản xuất thì nông dân sẽ phải "tự bơi" và ở đây vai trò của nhà nước rất quan trọng, cần có tuyên truyền nhất là các điều kiện về hội nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo điều kiện thúc đẩy cho doanh nghiệp trong việc hướng nông dân thoát khỏi tập quán canh tác nhỏ lẻ, tự phát và chỉ có liên kết thì mới hiệu quả, cũng như nâng cao được giá trị và chất lượng nông sản trên diện tích canh tác của mình.

- Thưa ông còn vấn đề nông nghiệp công nghệ cao, việc tiếp cận vốn thế nào?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Có 3 nguồn vốn chính, ngoài ngân sách Nhà nước tập trung cho hạ tầng và hỗ trợ ban đầu cho các vùng nông nghiệp công nghệ cao thì cần thúc đẩy nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra là vốn tín dụng làm sao để có chính sách giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi nhằm tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao.

- Việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần thích ứng thế nào trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long, thưa ông?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Theo tôi, rất cần các công trình để chống xâm nhập mặn. ​​Tôi nghĩ vấn đề cần có vai trò của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để điều hành chung và đầu tư đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả các công trình này.

- Rõ ràng nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với bảo vệ môi trường ngay từ đầu, ông có thể nói cụ thể hơn vấn đề này?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Vấn đề nông nghiệp công nghệ cao phải xuất phát từ nông nghiệp hữu cơ (nông nghiệp sạch), tức là các quy trình sản xuất phải gắn chặt với bảo vệ môi trường, đây là tiêu chí bắt buộc với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng như quy trình VietGap hoặc GlobalGap.

Phải tuyên truyền cho người dân hiểu được các tiêu chí đó để họ thực hiện, ở Long An cũng làm theo hướng phát triển các mô hình mẫu để nông dân thấy được hiệu quả rõ ràng và làm theo, chứ không thể tuyên truyền bằng cách nói miệng.

- Hiện nhiều nông dân khi làm theo ​các mô hình ​như VietG​AP... nhưng đầu ra vẫn rất khó khăn, vậy theo ông để áp dụng thành công mô hình nông nghiệp công nghệ cao như ông nói thì cần những vấn đề gì?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Đúng vậy, trong lĩnh vực nông nghiệp, điều mà người nông dân quan tâm là khi người ta sản xuất theo mô hình VietG​AP nhưng khi bán ra thì giá các sản phẩm này không có chênh lệch lớn so với các sản phẩm không sản xuất theo quy trình trong khi chi phí để làm theo mô hình VietG​AP rất cao làm cho người nông dân nản và không tái đầu tư.

Trong giai đoạn hiện nay nền nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu rất quyết liệt nhưng vẫn phải có thời gian. Bản thân tôi cũng có đề xuất chúng ta phải phân loại thị trường và hướng người nông dân vào các phân khúc cụ thể.

Ví dụ như, để bán vào siêu thị phải có tiêu chuẩn nào, bán cho tổng hàng thì tiêu chuẩn nào và bán cho các chợ truyền thống cũng vậy, tất cả phải đáp ứng yêu cầu về An toàn vệ sinh thực phẩm.

Phải phân loại thị trường để hướng người nông dân sản xuất, chứ không phải nơi nào cũng áp dụng mô hình VietG​AP hay GlobalG​AP thì nguồn lực sẽ không đủ, điều này rất quan trọng đối với nhà nước và doanh nghiệp, chắc chắn người nông dân sẽ không làm được.

- Nhiều người dân vẫn chưa được thưởng thức và biết đến các sản phẩm trái cây miền Nam, vậy theo ông có suy nghĩ thế nào?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Tôi nghĩ việc xây dựng thương hiệu vẫn là yếu tố hàng đầu. ​Tiếp đến cần làm được chỉ dẫn địa lý, ​khi có chỉ dẫn địa lý thì chỉ cần nhắc đến tên sản phẩm nào thì người tiêu dùng sẽ biết được sản phẩm là của địa phương đó.

Tiềm năng nông nghiệp của chúng ta rất lớn, quan trọng là chúng ta có khai thác được các lợi thế hay không. Do vậy, xây dựng thương hiệu phải gắn với chỉ dẫn địa lý để các sản phẩm nông sản có thể đi đến được với người ​tiêu dùng.

- Xin cảm ơn ông./.

TTXVN

Chia sẻ bài viết