Tiếng Việt | English

30/09/2016 - 08:14

Khuyến học - “đôi cánh” của ước mơ

Người Việt vốn có truyền thống hiếu học. Dù trong khói lửa của chiến tranh, dân tộc ta vẫn cháy bỏng ước mơ học tập, học ở bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào và bất kể thời gian. Coi trọng việc học, người Việt luôn đề cao “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, “nhất sĩ, nhì nông,...”. Văn Miếu, Bia tiến sĩ, Khuê Văn Các,... chính là những biểu trưng cho truyền thống, tinh thần hiếu học của dân tộc ta.

Xưa đã thế, giờ thì truyền thống hiếu học càng được phát huy. Trong thời đại Hồ Chí Minh, giáo dục và đào tạo cùng với khoa học-công nghệ được xem là quốc sách hàng đầu, luôn là nhiệm vụ trọng yếu nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” - lời dạy của Bác Hồ luôn được các thế hệ học sinh Việt Nam nỗ lực thực hiện. Và nhiều học sinh Việt Nam được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ về thành tích học tập.

Hiện nay, trẻ em Việt Nam được thừa hưởng những thành tựu của 41 năm đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, được quan tâm, chăm lo thực hiện quyền học tập. Hội Khuyến học Việt Nam ra đời và phát triển rộng khắp, trở thành điểm tựa, “bà đỡ” cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục ước mơ cắp sách đến trường.

Những hoạt động thiết thực của Hội Khuyến học như: Tặng tập, sách, dụng cụ học tập, học bổng, xe đạp, quần áo, xây trường lớp, biểu dương, khen thưởng,... nhằm động viên, cổ vũ, chia sẻ khó khăn, giúp các em vượt qua số phận, hoàn cảnh. Biết bao học sinh nghèo, vùng sâu, vùng xa hoàn thành ước nguyện, hoài bão từ những hỗ trợ thiết thực của Hội.

Chúng ta hết sức phấn khởi khi Long An có phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh với trên 300.000 gia đình hiếu học, 122 dòng họ hiếu học, 169 cộng đồng khuyến học và 148 đơn vị khuyến học. Đây là những hạt nhân, vườn ươm, nền tảng xây dựng một xã hội học tập suốt đời. Đồng thời, đó chính là những điểm sáng lan tỏa, dẫn truyền ngọn lửa hiếu học, nhân rộng phong trào khuyến học.

Trong tương lai, khi trình độ dân trí được nâng cao, nguồn nhân lực bảo đảm cho yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ là lợi thế trong thu hút đầu tư, là cơ sở để thực hiện khát vọng vươn lên trong cuộc sống của nhiều người.

Phấn khởi trước sự lớn mạnh và những đóng góp của Hội Khuyến học, mỗi người trong chúng ta càng thấy trách nhiệm to lớn của mình trước tiền nhân, trước tiền đồ của dân tộc. Dù làm gì, hoàn cảnh thế nào cũng phấn đấu cho con em học tập tốt, tích cực đóng góp trí tuệ, tâm huyết, tiền của cho công tác khuyến học của dòng họ, cộng đồng để giúp đỡ học sinh, sinh viên khó khăn. Đó chính là việc làm thiết thực, ý nghĩa góp phần xây dựng gia đình ấm no, xã hội phồn vinh, đất nước giàu mạnh./.

Kim Quy 

Chia sẻ bài viết