Tiếng Việt | English

15/10/2019 - 09:45

Khuyến khích nhân rộng mô hình kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn

Trước thực trạng nông sản có nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), các cơ quan chức năng đang nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cũng như hỗ trợ xây dựng, kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn khuyến khích, nhân rộng các điểm kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận.

Người tiêu dùng chọn lựa thực phẩm tại cửa hàng San Hà, một trong những điểm bán thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh

Người tiêu dùng chọn lựa thực phẩm tại cửa hàng San Hà, một trong những điểm bán thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh

Xây dựng mô hình

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An - Nguyễn Văn Cường cho biết, sau nhiều năm xây dựng, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 12 chuỗi thực phẩm là rau, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản an toàn. Đồng thời, chi cục còn phối hợp Ban Quản lý ATTP TP.HCM khảo sát, xây dựng và trao 9 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm gồm thịt gà, trứng gà, thịt bò, nước mắm, rau. Đặc biệt, tỉnh có 14 điểm bán thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tại nhiều địa phương. Qua đó, người tiêu dùng có thêm nhiều kênh mua sắm thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) là 1 trong 12 đơn vị được chứng nhận chuỗi thực phẩm rau an toàn. HTX được thành lập đầu năm 2012, chuyên canh các loại rau ăn lá, rau nấu nước mát. Hiện HTX hoạt động dưới hình thức kinh tế tập thể với hơn 130 thành viên chính thức cũng như liên kết sản xuất trên 30ha, trong đó có hơn 7ha đạt chuẩn VietGAP, phần diện tích còn lại được sản xuất theo hướng VietGAP.

Giám đốc HTX Nông nghiệp - Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng chia sẻ, hiện tại, ngoài việc tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường, HTX còn là nơi tập kết rau sau thu hoạch, tiến hành sơ chế, làm sạch rau và đóng gói. Qua 7 năm đi vào hoạt động và tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, sản phẩm của HTX được nhiều DN, đơn vị thu mua, hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp từ 7-8 tấn rau đến đối tác, trong đó có nhiều bếp ăn tập thể dành cho công nhân, học sinh. Để hoạt động của HTX ngày càng ổn định, bền vững, thời gian qua, HTX được hỗ trợ kinh phí 350 triệu đồng từ Dự án Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đầu tư các thiết bị phục vụ nhà sơ chế, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Hiện tại, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tổ chức khảo sát, đánh giá điều kiện bảo đảm ATTP tại các cơ sở tham gia chuỗi và tổ chức tập huấn kiến thức chuỗi ATTP tại 2 cơ sở tham gia chuỗi. Đó là Chi nhánh Công ty Cổ phần Thanh Nhân Food - Nhà máy Chế biến thực phẩm Thanh Nhân; Công ty TNHH Gạo Minh Tâm - Chi nhánh tỉnh Long An; đồng thời, mẫu giám sát cũng được thu về phân tích các chỉ tiêu về ATTP. Ngoài ra, chi cục còn có kế hoạch hỗ trợ xây dựng 3 chuỗi trên các sản phẩm rau, củ, quả và đang thực hiện các bước để triển khai thực hiện.

Hỗ trợ kết nối tiêu thụ

SanHàFoodstore tại xã Long Trạch, huyện Cần Đước là cửa hàng thực phẩm của Công ty TNHH San Hà; đồng thời, là 1 trong 14 điểm bán thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Tại cửa hàng, thực phẩm bán ra rất nhiều loại như thịt heo, thịt bò, gà, vịt, trứng, cá, rau, củ, quả, thực phẩm chế biến sẵn, gia vị các loại,... Tất cả sản phẩm bán ra đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trong đó có nhiều nông sản do các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Long An cung cấp như rau ăn lá các loại, dưa hấu, gạo,...

Là công nhân tại Khu công nghiệp Cầu Tràm, mỗi buổi chiều tan ca, chị Trần Tuyết Mai, ngụ xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, thường ghé vào cửa hàng San Hà mua thực phẩm. Chị Mai nói: “Mỗi buổi chiều, tôi thường mua mỗi loại thực phẩm khác nhau như thịt heo, thịt gà, cá, rau ăn lá,... Thực phẩm bán tại đây rất sạch sẽ bởi được bày trên kệ hoặc tủ chuyên dùng nên rất an tâm. Ngoài ra, nhân viên cửa hàng còn hướng dẫn tôi cách nhận diện sản phẩm an toàn thông qua tem nhãn và cung cấp thông tin về các sản phẩm bán ra có nguồn gốc như thế nào”.

Người tiêu dùng tiếp cận thực phẩm an toàn tại những điểm bán thực phẩm an toàn

Người tiêu dùng tiếp cận thực phẩm an toàn tại những điểm bán thực phẩm an toàn

Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà cho biết: Thời gian qua, doanh nghiệp được hỗ trợ từ các cơ quan chức năng ở Long An làm “cầu nối” giữa nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm với người tiêu dùng. Việc này mang lại lợi ích rõ rệt, người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sản phẩm an toàn, còn cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cung ứng có cơ hội giới thiệu sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ, thời gian tới, chi cục tiếp tục khảo sát và khuyến khích nhân rộng các cửa hàng thực phẩm an toàn; tăng cường công tác quản lý chất lượng ATTP trên nông, lâm, thủy sản thông qua kiểm tra, lấy mẫu thử và xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... 9 tháng năm 2019, ngành nông nghiệp tiến hành kiểm tra 26 đợt với 864 cơ sở sản xuất, kinh doanh; xử phạt vi phạm hành chính 115 trường hợp, tổng số tiền xử phạt vi phạm trên 720 triệu đồng./.

Về xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng nhận GAP, toàn tỉnh có 369,5ha lúa, 114,11ha rau, 537,1ha quả được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, 3 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, 2 hộ nuôi thủy sản được chứng nhận VietGAP; đang thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý cho thanh long Châu Thành, Long An để bảo đảm phát triển sản xuất thanh long bền vững trong thời gian tới”.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết