Các đại biểu tham dự hội nghị
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh có gần 16.500 con, trong đó, đàn bò sữa tại huyện Đức Hòa khoảng 11.800 con (954 hộ chăn nuôi), chiếm 71% tổng đàn bò sữa của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 14 trạm thu mua sữa bò tươi, trong đó có 11 trạm ở huyện Đức Hòa, 3 trạm ở TP.Tân An. Trong số 14 trạm thu mua sữa bò tươi, có 5 trạm trung chuyển sữa tươi cho Công ty Vinamilk, 8 trạm trung chuyển sữa tươi cho Công ty Friesland Campina Việt Nam, 1 trạm thu mua sữa tươi của Công ty Cổ phần CMT. Sản lượng thu mua sữa khoảng 87,3 tấn/ngày, giá sữa dao động từ 8.000-14.000 đồng/kg.
Để nâng cao chất lượng và số lượng đàn bò sữa, tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nông dân. Hiện tỉnh đang triển khai Dự án Phát triển giống bò sữa sử dụng tinh phân biệt giới tính giai đoạn 2014-2016 với tổng vốn đầu tư trên 1,7 tỉ đồng. Dự án này được triển khai trên địa bàn 8 xã, thị trấn thuộc địa bàn huyện Đức Hòa, TP.Tân An.
Chăn nuôi bò sữa ở Đức Hòa. Ảnh: Song Hồng
Theo đánh giá, các dự án phát triển giống đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa được nâng cao thông qua công tác khuyến nông.
Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 230 hộ chăn nuôi chưa ký hợp đồng thu mua sữa tươi. Đó là một trong những khó khăn lớn nhất của người chăn nuôi. Ngoài ra, người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân: Chất lượng sữa chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ, giá thu mua sữa chưa ổn định do việc đánh giá chất lượng sữa còn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy thu mua sữa,... Một điểm đáng lưu ý khác là trong quá trình chăn nuôi và thu mua sữa tươi chưa tạo được sự gắn kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà sản xuất - nhà chế biến để phát triển bền vững.
Tiêu chí của Công ty Vinamilk là mong muốn mua sữa tươi với giá thành cạnh tranh nhưng phải bảo đảm các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng. Ảnh: Internet
Trưởng phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Hòa - Nguyễn Tấn Triều thông tin: Hiện, toàn huyện còn khoảng 100 hộ chưa được ký hợp đồng tiêu thụ sữa bò tươi với các Công ty. Lượng sữa tươi chưa ký hợp đồng bán sữa được bán theo hình thức ký gửi cho những hộ có hợp đồng hoặc bán cho hộ chăn nuôi bê uống,... Chính vì chưa an tâm trong chăn nuôi cũng như đầu tư, đàn bò sữa trên địa bàn huyện có xu hướng giảm.
Hiện tại, đa số nông dân chưa được ký hợp đồng thu mua sữa với các Công ty thu mua sữa tươi đều gặp khó khăn về đầu ra. Nông dân đề xuất được ký kết hợp đồng thu mua và có giá thu mua ổn định để an tâm sản xuất.
Tại cuộc làm việc, đại diện Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết: Tiêu chí của Công ty là mong muốn mua sữa tươi với giá thành cạnh tranh nhưng phải bảo đảm các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng. Năm 2017, Công ty không thu mua với những hộ chăn nuôi ngoài vùng quy hoạch chăn nuôi bò sữa và khuyến khích hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ tập trung chăn nuôi theo hình thức liên kết thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh nhấn mạnh: Trước thực trạng chăn nuôi bò sữa hiện nay, các huyện có chăn nuôi bò sữa cần rà soát, thống kê lại những hộ chăn nuôi chưa ký hợp đồng có quy mô tổng đàn bò sữa trên 5 con; riêng những hộ chăn nuôi đã ký hợp đồng với các Công ty thu mua nhưng tổng đàn nhỏ hơn 5 con, cần hướng dẫn họ chăn nuôi theo hướng liên kết để có điều kiện tiêu thụ sữa tươi. Bên cạnh đó, nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt về tiêm phòng dịch bệnh theo Luật Thú y, chủ động bảo vệ sản xuất thông qua tiêm phòng dịch bệnh, bảo đảm chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Bà Phương Khanh kiến nghị, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) xem xét, ký hợp đồng với hộ chăn nuôi chưa có hợp đồng để có đầu ra ổn định./.
Mai Hương