
TP Rạch Giá sau này sẽ là trung tâm hành chính tỉnh An Giang sau sáp nhập có diện tích, dân số lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 21/4, Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức họp đột xuất xem xét một số vấn đề liên quan đến việc sáp nhập tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Theo đó, Đảng ủy UBND tỉnh Kiên Giang trình dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang.
Theo nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, việc hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy tên gọi là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang.
Cụ thể, tỉnh Kiên Giang có diện tích tự nhiên 6.352,08km2 và quy mô dân số 2.210.387 người; có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 12 huyện và 3 thành phố); 143 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn.
Tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên 3.536,83 km2 và quy mô dân số 2.741.851 người; có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện), 155 xã, phường, thị trấn.
Phương án sắp xếp thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Kiên Giang và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh An Giang.
Kết quả, tỉnh An Giang sau sáp nhập có diện tích tự nhiên trên 9.888km2, quy mô dân số 4.952.238 người. Trung tâm hành chính đặt tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện nay.
Tại hội nghị, Đảng ủy Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Kiên Giang trình tờ trình về việc xin chủ trương tổ chức kỳ họp thứ 33 HĐND tỉnh khóa X (kỳ họp chuyên đề). Dự kiến kỳ họp này tổ chức vào ngày 28/4.
Chương trình kỳ họp lần này sẽ thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường ven biển kết nối cảng An Thới; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình cầu trên tuyến đường ven biển kết nối từ An Biên - TP Rạch Giá…
Trong khi đó hiện nay, tỉnh An Giang đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri toàn tỉnh về đề án sáp nhập xã, tỉnh. Theo đó, An Giang dự kiến sẽ thành lập 54 xã, phường. Trong tuần này, HĐND tỉnh An Giang sẽ họp thông qua 2 đề án sáp nhập xã, tỉnh./.

Danh sách dự kiến tên gọi của 54 xã, phường trong tỉnh An Giang đang bị nhiều người dân không đồng tình khi đặt tên xã, phường kết hợp với phương hướng Bắc, Trung, Nam mà không gắn với địa danh lịch sử
Theo Báo Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/kien-giang-sap-nhap-voi-an-giang-thanh-tinh-lon-nhat-vung-hon-4-9-trieu-dan-20250421164419677.htm