Chạy chức, chạy quyền gây nhiều hệ lụy trong công tác cán bộ, kìm hãm sự phát triển của mỗi đơn vị, địa phương khi xem xét, bổ nhiệm không đúng người, từ đó, gây mất đoàn kết nội bộ. Những người chạy chức, chạy quyền thường “kết bè, kết phái” vì lợi ích nhóm, gây bức xúc và làm giảm ý chí phấn đấu của cán bộ, đảng viên tại mỗi cơ quan, đơn vị. Nạn chạy chức, chạy quyền còn gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và sự lãnh đạo của Đảng.
Để chống chạy chức, chạy quyền, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, kịp thời ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để mưu cầu lợi ích cá nhân, nhận chạy chức, chạy quyền, tạo nên phe cánh vì mục đích riêng. Khi lựa chọn đưa vào cấp ủy hay bộ máy lãnh đạo, quản lý cần chọn những người có đủ đức, tài, được tập thể ủng hộ. Đó là người biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Một trong những biệp pháp hữu hiệu chống chạy chức, chạy quyền là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và những người ký quyết định luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; phải tìm hiểu rõ về cán bộ trước khi đưa vào danh sách luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi đưa và nhận hối lộ trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ và mạnh dạn hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ; công khai, minh bạch công tác quy hoạch, bổ nhiệm.
Tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cần “Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, đã chạy là không dùng” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng.
Thủy Tiên