Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm 2024 đến nay, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn (XNM) đã xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Long An.
Mặc dù các cấp ủy Đảng, chính quyền đã chủ động triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó, giảm nhẹ thiên tai. Tuy nhiên, do nắng nóng, XNM kéo dài, vào sâu trong hệ thống sông ngòi, kênh, rạch nên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân. Ở Long An, có khoảng 5.000 hộ dân ở vùng hạ các huyện: Tân Trụ, Cần Giuộc, Cần Đước bị thiếu nước sinh hoạt, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, theo dự báo của các cơ quan chuyên môn Trung ương, từ nay đến giữa tháng 5/2024, tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện 2 đợt XNM (từ ngày 22 đến 28/4 và từ ngày 07 đến 11/5), nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân có thể tiếp tục xảy ra.
Trước tình hình trên, bên cạnh nỗ lực thực hiện các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ thiên tai, ngày 17/4/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3695/QĐ-UBND Về việc công bố tình huống thiên tai XNM trên địa bàn tỉnh Long An.
Cụ thể, UBND tỉnh đã công bố tình huống thiên tai XNM trên địa bàn tỉnh Long An, thuộc rủi ro thiên tai cấp độ 4, với diễn biến và phạm vi ảnh hưởng của XNM vào sâu trong sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.
Do tác động của tình trạng XNM nên hiện nay trên địa bàn các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu hụt nước ngọt để tưới, nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện Cần Giuộc bị thiếu nước sạch sinh hoạt.
Dự báo XNM trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây sẽ từ 90-110km; có khả năng tập trung trong tháng 4 và 5/2024. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo: Các hoạt động, biện pháp công trình và phi công trình để ứng phó, khắc phục trong thời gian diễn ra XNM trên phạm vi các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai XNM như các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Bến Lức, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An được thực hiện theo tình huống khẩn cấp.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh, đơn vị có liên quan, UBND các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An triển khai, thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản và bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.
Trong các chỉ thị, công điện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó đợt XNM cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long; chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.
Song song đó, tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình thiếu nước, XNM tại từng khu vực trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Trong thời gian các hộ dân vùng hạ các huyện: Tân Trụ, Cần Giuộc, Cần Đước bị thiếu nước, các ngành chức năng tỉnh, địa phương nỗ lực thực hiện các giải pháp cấp bách để cung ứng nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Các giếng nước ngầm tạm đóng cũng được mở; các chuyến xe nghĩa tình do bộ đội, công an, Đoàn Thanh niên, nhà hảo tâm đã mang những bình nước quý giá đến với người dân,... góp phần giảm thiểu những thiệt hại, khó khăn trong cuộc sống.
Những giải pháp này chỉ mang tính ứng phó, về lâu dài cần có những giải pháp căn cơ, bền vững về nguồn nước sản xuất, sinh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, sông Mê Kông bị “bức tử” bởi hệ thống thủy điện ở thượng nguồn. Trong đó, mỗi người cần phải thay đổi thói quen sử dụng nước, sử dụng một cách tiết kiệm, phù hợp, có trách nhiệm./.
Kim Quy