Tiếng Việt | English

28/12/2015 - 09:07

Long An

Kinh tế tập thể góp phần phát triển nông nghiệp

Thời gian qua, nhiều nông dân tham gia tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn (CĐL); được hướng dẫn áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt làm tăng năng suất, chất lượng nông sản và giảm chi phí, giá thành sản xuất; nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống gia đình. Đồng thời, tổ chức sản xuất theo CĐL thúc đẩy phát triển các hình thức liên kết, hợp tác như hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trong sản xuất như hiện nay.


Nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất khi tham gia mô hình liên kết

Hiệu quả phát triển kinh tế tập thể

Tính đến tháng 12-2015, toàn tỉnh có 67 HTX nông nghiệp với hơn 1.400 thành viên (trong đó, có 13 HTX ngưng hoạt động, thành lập mới 10 HTX trong năm 2015), trên 1.200 THT nông nghiệp và 2 liên hiệp HTX với 9 thành viên liên kết. Ngành nghề hoạt động của các HTX khá đa dạng, gồm dịch vụ nông nghiệp (làm đất, bơm nước, thu hoạch lúa), mua bán vật tư nông nghiệp, nông sản, tham gia sản xuất rau an toàn, lúa, thanh long, chanh, khoai mỡ, chăn nuôi gia súc, gia cầm,...

Thời gian qua, phần lớn các HTX đều thực hiện vai trò cầu nối cho thành viên về các dịch vụ như: Cung ứng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp theo hình thức mua chung, bán chung, chia sẻ kỹ thuật, liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc HTX nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí cho biết: “Hiện nay, diện tích canh tác trong HTX xã là 464ha, trong đó, sản xuất lúa chất lượng cao, đạt chuẩn VietGap là 82ha, với số lượng thành viên 103 hộ. HTX có truyền thống và kinh nghiệm làm ăn tập thể ổn định ngay từ khi mới thành lập và hoạt động, với tiêu chí lợi ích đầu ra sản phẩm cho nhà nông, khi nông dân tham gia HTX, đầu ra sản phẩm ổn định, lợi nhuận cũng cao hơn, ổn định hơn. Năm 2016, để phát triển hiệu quả hơn, HTX sẽ mở rộng diện tích bơm tưới ổn định, làm các dịch vụ và mua sắm thêm thiết bị, máy móc cho dịch vụ thu hoạch, từ 1 máy gặt đập liên hợp lên 2 máy, phục vụ các thành viên HTX. Các dịch vụ cầu nối huy động nhiều nguồn lực tiến lên hoạt động cung cấp chính thức phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các thành viên. Mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap từ 82ha lên 300-400ha và ký hợp đồng tiêu thụ nông sản từ 100ha lên 500ha”.

Bên cạnh cây lúa, các HTX sản xuất cây chanh, thanh long,... cũng mang lại hiệu quả cao cho thành viên. Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa) - Bùi Văn Khắp chia sẻ: “Lĩnh vực hoạt động của HTX là chuyên cung ứng các loại cây củ, quả, kinh doanh vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, thu mua, sơ chế, đóng gói chanh xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Diện tích chanh hiện tại của HTX là 65ha, nhưng diện tích kinh doanh chỉ 35ha, số còn lại mới trồng. Sản lượng năm 2015 là 520 tấn, doanh thu 9,5 tỉ đồng. HTX hoạt động tập trung vào lợi ích của các thành viên, là cầu nối để tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra. Nhờ vậy, đời sống các thành viên đều được nâng lên, không còn hộ nghèo, hiện có 7/13 thành viên xây được nhà cấp 4, số còn lại kinh tế ổn định”.


Nông dân sản xuất đạt hiệu quả khi tham gia mô hình liên kết

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ

Bên cạnh hiệu quả của HTX, THT thì liên kết sản xuất đầu ra sản phẩm cho nông dân rất quan trọng, nhất là mối liên kết dọc giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện nông dân và người dân. Năm 2014-2015, nhiều Cty, doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình CĐL với diện tích trên 37.700ha, số hộ dân tham gia trên 16.600 hộ.

Giám đốc DNTN Công Bình (huyện Tân Trụ) - Phan Công Bình cho biết: “Bên cạnh việc liên kết thì vấn đề bao tiêu sản phẩm cho người dân rất quan trọng. Cần có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp với nhà nông trong liên kết để tăng hiệu quả. Tính đến nay, Cty liên kết với nông dân trên địa bàn huyện Tân Trụ 5 vụ. Vụ Đông Xuân năm nay, Cty ký hợp đồng liên kết với nông dân với diện tích gần 2.000ha. Hiện giá lúa RVT Cty thu mua của người dân là 5.900 đồng, cao hơn nhiều so với thị trường, với giá này, nông dân có lãi rất cao. Dự kiến trong thời gian tới, Cty sẽ mở rộng ký hợp đồng tham gia CĐL với nông dân vùng Đồng Tháp Mười trên địa bàn tỉnh”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng chia sẻ: “Chương trình liên kết xây dựng CĐL là chương trình đột phá của huyện. Trong năm 2015, toàn huyện có 5 doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân, với tổng diện tích 4.575ha (so với diện tích sản xuất 28.500ha), trong đó, diện tích được bao tiêu luôn sản phẩm là 3.127ha. Kết quả thực hiện mô hình liên kết so với ngoài mô hình tiết kiệm được chi phí sản xuất từ 1,6 - 3 triệu đồng/ha/vụ, năng suất cũng tăng 5 - 7 tạ/ha/vụ. Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ diện tích người dân tham gia mô hình vẫn còn thấp. Vì vậy, từ nay đến năm 2020, huyện phấn đấu đạt trên 50% diện tích của nông dân tham gia CĐL. Bên cạnh đó, để đạt kế hoạch đề ra, huyện rất cần có sự hỗ trợ nhiều phía từ các ngành để nông dân an tâm sản xuất, bảo đảm lợi ích của người dân”.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện nay. Mục tiêu trong những năm tới, xây dựng và phát triển các CĐL thuộc lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích xây dựng CĐL trên các loại cây trồng chủ yếu của tỉnh là 110.180ha, đạt 19,34% so với diện tích quy hoạch gieo trồng. Trong đó, CĐL cây lúa 100.000ha, đạt 20% diện tích quy hoạch gieo trồng. Riêng trong năm 2016, kế hoạch xây dựng CĐL 30.000ha, trong đó, theo hình thức đầu tư xây dựng CĐL 24.000ha, hình thức bao tiêu sản phẩm 6.000ha”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết