Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) phát huy tốt vai trò tập hợp nông dân và liên kết với doanh nghiệp, bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản
Tạo đầu ra ổn định cho nông sản
Được thành lập từ cuối năm 2018, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) phát huy tốt vai trò trong việc tập hợp ND và liên kết với doanh nghiệp, bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản. Từ vùng nguyên liệu trên 10ha ban đầu, đến nay, diện tích của HTX phát triển lên 52,5ha. HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh xây dựng theo mô hình 4 trong 1 do Hội ND tỉnh thí điểm xây dựng (gồm Chi tổ hội nghề nghiệp, Chi bộ ND, HTX Nông nghiệp, doanh nghiệp). HTX hiện có 31 thành viên, chuyên cung ứng các mặt hàng nông sản như khổ qua, bầu, bí, dưa leo, đậu bắp, đậu đũa, mướp,...
Ông Châu Văn Xuân là một trong những thành viên đầu tiên của HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh, hiện trồng trên 0,2ha khổ qua, áp dụng hệ thống tưới tự động, sản xuất theo quy trình VietGAP nên năng suất ổn định. Ông Xuân chia sẻ: “Tham gia HTX, tôi được hỗ trợ phân bón, chế phẩm sinh học, giống và bao tiêu đầu ra nông sản với giá cao hơn thị trường nên an tâm sản xuất”.
Hiện bình quân mỗi ngày, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh cung ứng từ 3,5-5,5 tấn nông sản cho thị trường Long An, Tiền Giang, Đồng Nai và TP.HCM. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho khoảng 15 lao động ở địa phương, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Xu hướng tiêu dùng hiện nay, nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhận được sự tin tưởng, ưa chuộng của người tiêu dùng. Hướng tới, HTX tiếp tục mở rộng, liên kết thêm khoảng 20ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (các huyện: Thạnh Hóa, Châu Thành, Mộc Hóa và TP.Tân An) để đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Được thành lập từ năm 2005, những năm đầu, HTX Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) làm dịch vụ bơm tưới là chính. Hầu hết ND vẫn sản xuất theo tập quán cũ nên hiệu quả thấp.
Trước tình hình đó, HTX đề ra nhiều giải pháp nhằm phục vụ lợi ích chung. Bên cạnh duy trì dịch vụ bơm tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, HTX Nông nghiệp Gò Gòn còn tìm tòi và đưa vào khai thác thêm một số dịch vụ như bổ trợ làm đất, thu hoạch, vận chuyển nông sản; sản xuất và cung ứng lúa giống;...
Ông Mai Văn Rết - thành viên HTX Nông nghiệp Gò Gòn, nói: “Hiện tôi canh tác 6ha lúa. Đầu mỗi vụ, HTX đều ký kết với công ty thu mua để bảo đảm đầu ra cho nông sản. Do đó, chúng tôi an tâm đầu tư sản xuất, không còn lo về vấn đề tiêu thụ lúa mỗi khi đến mùa thu hoạch”.
Tham gia hợp tác xã, nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP nên năng suất ổn định, giá bán nông sản cao hơn thị trường
Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn - Trương Hữu Trí chia sẻ: “HTX chủ động tìm kiếm doanh nghiệp để liên kết, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn tổ chức tư vấn về kỹ thuật trồng trọt, đồng hành cùng các thành viên trong việc áp dụng mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ phát triển đồng bộ mà HTX hình thành chuỗi sản xuất khép kín, quản lý được vùng nguyên liệu lớn. Hiện HTX có 120 hộ dân tham gia với diện tích 464ha”.
Nâng cao hiệu quả của hợp tác xã
Chương trình đột phá Vận động ND chuyển đổi phương thức sản xuất bằng mô hình kinh tế hợp tác, HTX theo chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã làm chuyển biến nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ Hội và HV, ND trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất thông qua các mô hình KTTT. Vai trò của cán bộ Hội, HV, ND trong việc tham gia xây dựng các loại hình KTTT ngày càng được khẳng định, các hình thức KTTT dần được củng cố.
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Hội phối hợp vận động, tuyên truyền và hướng dẫn thành lập 118 HTX với 2.670 thành viên, tổng vốn điều lệ gần 200 tỉ đồng, doanh thu bình quân năm 2022 của 1 HTX ước đạt 2,4 tỉ đồng, lãi bình quân ước đạt 125 triệu đồng và 786 tổ hợp tác với 13.593 thành viên. Hầu hết các HTX trước đây đã được củng cố, chuyển sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Chất lượng, quy mô hoạt động từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ nông sản, góp phần hỗ trợ kinh tế cho nông hộ, giải quyết việc làm cho thành viên HTX và lao động địa phương. Ngoài ra, HTX còn tập hợp, định hướng HV, ND tích cực khởi nghiệp, sáng tạo, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập.
Chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân ở những hợp tác xã
Thời gian tới, Hội ND tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền HV, ND về ý nghĩa, lợi ích khi tham gia KTTT; tiếp tục thực hiện tốt chương trình phối hợp các ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ hợp tác, HTX và HV, ND vay vốn phát triển sản xuất. Hội phối hợp các ngành hỗ trợ tổ hợp tác, HTX tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ nông sản ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thông qua các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, doanh nghiệp để đào tạo nghề cho ND.
Bên cạnh đó, Hội phối hợp các ngành, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ ND khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm khơi dậy ý tưởng sáng tạo để khai thác tiềm năng, lợi thế cho phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững,.../.
Văn Đát