Công nhân thi công tại Nhà máy năng lượng mặt trời Europlast (xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ)
Tăng nhanh về giá trị
Năm 2018, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 16,05% so với năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 212.730 tỉ đồng (đạt 100,1% kế hoạch, tăng 16% so với năm 2017). Theo đó, ngành công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành trọng yếu (chiếm khoảng 98% trong cơ cấu ngành công nghiệp), chiếm đến 41,42% trong cơ cấu GRDP của tỉnh và tăng 16,03% so cùng kỳ năm 2017. Các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh duy trì mức độ tăng trưởng khá cao, trong đó 68/75 nhóm ngành có tốc độ tăng so cùng kỳ. Những sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn tỉnh có sản lượng tăng như sơn tường, sắt, thép thành phẩm, sản phẩm gỗ, chỉ sợi các loại, gạch xây dựng, sản phẩm may mặc, sản phẩm ba lô, túi xách, vải thành phẩm, phân khoáng và phân hóa học, giày dép, điện thương phẩm,...
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhận định, ngoài nguyên nhân khách quan do nền kinh tế bước qua giai đoạn khó khăn, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp cao cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đang ngày càng cải thiện. Các chính sách và hoạt động hỗ trợ DN đã tác động tính cực đến sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, các DN chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất, nắm bắt thị trường và tăng cường hoạt động tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước.
Công ty TNHH SX-TM Hù Kiệt (huyện Bến Lức) đầu tư vào Long An năm 2005 với hoạt động sản xuất giày dép các loại. Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Hù Kiệt - Gịp Cao Thanh chia sẻ: “Ban đầu, Hù Kiệt chỉ có 1 xưởng sản xuất nhỏ. Sau nhiều năm hoạt động, đến nay tại Long An, chúng tôi có 4 công ty (3 đang hoạt động và 1 chuẩn bị đưa vào sản xuất) với quy mô khá lớn đều tại huyện Bến Lức”. Công ty đầu tiên do ông Gịp Cao Thanh làm chủ tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức hiện có 7 xưởng sản xuất. Bình quân mỗi tháng, công ty này cho ra thị trường 600.000 đôi giày, dép các loại. Ông Thanh chia sẻ: “Trong giai đoạn đầu thành lập, DN gặp khó khăn nhưng đến nay, DN đủ mạnh để cạnh tranh với các đối tác trong ngành, phát triển tiềm năng mở rộng thị trường sang các nước: Campuchia, Lào, Ấn Độ,... với những hợp đồng mang giá trị kinh tế lớn. Để chinh phục thị trường tốt như hiện nay, DN nỗ lực rất nhiều, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư các máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất và sản lượng. Phương châm của DN là mang lại sự phong phú, đa dạng, tinh tế và chất lượng từng sản phẩm đến người tiêu dùng”.
Kỳ vọng sự đột phá mới
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết, Long An quyết tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm động lực cho sự phát triển của tỉnh. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến tìm hiểu cũng như thực hiện dự án đầu tư.
Chỉ sợi các loại, sản phẩm may mặc là một trong những sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng cao trong tỉnh
Đến nay, toàn tỉnh có 31 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam năm 2015 và định hướng đến năm 2020, tổng diện tích khoảng 11.391ha, có 42 chủ đầu tư hạ tầng (riêng KCN Đức Hòa III có 13 dự án đầu tư hạ tầng KCN thành phần). Trong tổng số 31 KCN, có 2 KCN do DN có vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư, 24 KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 8.183,65ha, tổng vốn đầu tư 13 triệu USD và 40.599,37 tỉ đồng. Hiện toàn tỉnh có 16 KCN đang hoạt động, tổng diện tích quy hoạch 3.862,89ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê 2.702,22ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 2.198,77ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 81,37%. Từ khi có KCN cho đến ngày 15-12-2018, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút 1.414 dự án (640 FDI và 774 DDI) với tổng vốn đầu tư (đầu tư mới và tăng vốn) 3.815 triệu USD và 78.065 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo quy hoạch được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có 62 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 3.106,5ha, trong đó, 22 CCN đi vào hoạt động với diện tích 1.095,6ha; 14 CCN đang triển khai với diện tích 641,6ha; 16 CCN mới có chủ trương đầu tư với diện tích 906ha, tổng vốn đầu tư 10.480 tỉ đồng và 10 CCN đang làm thủ tục thành lập. Lũy kế, các CCN hoạt động đã thu hút 544 dự án với tổng vốn đầu tư 15.635 tỉ đồng (trong đó có 60 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI với tổng vốn đầu tư 209,6 triệu USD). Tỷ lệ lấp đầy của các CCN hoạt động đạt 86,55%.
Theo thông tin từ Sở Công Thương, để tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, năm 2019, UBND tỉnh giao Sở Công Thương đồng hành cùng nhà đầu tư hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 30 CCN mới thành lập. Từ đó, gấp rút xây dựng hoàn thiện hạ tầng để đến năm 2020 có thể thu hút nhà đầu tư thứ cấp với diện tích khoảng 2.000ha. Khi các CCN hoàn thành hạ tầng, cùng với các KCN, Long An sẽ có điều kiện tốt hơn thu hút đầu tư, đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ về chất cũng như về lượng cho nền kinh tế tỉnh nhà trong sản xuất công nghiệp.
Công nhân thi công tại Nhà máy năng lượng mặt trời Europlast (xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ)
Bên cạnh đó, năng lượng mặt trời (NLMT) cũng được kỳ vọng tạo thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế công nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh có 13 dự án NLMT, trong đó có 3 nhà máy khởi công và tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn đầu tư 3.250 tỉ đồng. Đó là Nhà máy BCG Băng Dương (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) công suất 40,6MWp; Nhà máy Europlast (xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) công suất 50MWp và Nhà máy TTC Đức Huệ 1 (xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) công suất 49MWp. Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, cả 3 dự án này dự kiến đi vào vận hành trước tháng 6-2019 để hòa nhập vào lưới điện quốc gia. Khi 3 nhà máy NLMT này vận hành và đi vào hoạt động ổn định, kỳ vọng đóng góp lớn vào giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh.
Ngoài ra, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án chế biến nông sản, thức ăn gia súc, dệt,... với quy mô lớn đang khởi động sản xuất. Những dự án này cũng được kỳ vọng tạo thêm động lực mới cho tăng trưởng công nghiệp của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần thông tin, nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là kinh tế công nghiệp ở mức ổn định cao, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về cải cách hành chính, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ đắc lực cho các DN nhằm đưa công nghiệp phát triển đúng định hướng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trên lộ trình phát triển./.
Thanh Tùng