Tiếng Việt | English

06/03/2024 - 08:48

Làm giàu nhờ trồng tre Bát Độ lấy măng

Ông Lý Quốc Vũ được biết đến là hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng với mô hình Trồng tre Bát Độ lấy măng.

Mô hình Trồng tre Bát Độ lấy măng của cựu chiến binh Lý Quốc Vũ (xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa) mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đầu năm 2021, ông Vũ mạnh dạn đầu tư trồng 1.200 cây tre Bát Độ trên diện tích 1,7ha. Sau gần 3 năm chăm sóc, vườn tre của ông đã cho măng thương phẩm bán ra thị trường. Trung bình, mỗi khóm tre Bát Độ cho từ 5-6 chồi măng, mỗi chồi nặng từ 0,5-2kg; thời gian thu hoạch nhiều nhất là vào mùa mưa, từ tháng 8-11. Mỗi ngày, ông thu hoạch 200-300kg măng, sản phẩm măng tươi được bán với giá dao động 15.000-25.000 đồng/kg.

Cùng với thu hoạch măng thương phẩm, ông Vũ còn nhân giống măng cung cấp cho nông dân trên địa bàn với giá 20.000 đồng/cây. Với sự nỗ lực và ý chí quyết tâm của Bộ đội Cụ Hồ, bình quân mỗi năm, ông Vũ có thu nhập từ 300-500 triệu đồng từ mô hình Trồng tre Bát Độ lấy măng.

Theo ông Vũ, kỹ thuật trồng tre Bát Độ lấy măng không quá khó đối với nông dân. Mỗi hécta trồng từ 550-600 gốc tre, vốn đầu tư ban đầu không lớn, tiền mua giống, lên đê bao, lên liếp, mua phân bón khoảng 25 triệu đồng/ha. Tre chỉ trồng một lần là khai thác được nhiều năm, năng suất trung bình từ 20-25 tấn/ha; nếu nông dân chịu khó chăm sóc và bón phân thì năng suất đạt 40 tấn/ha.

"Trồng loại cây này không kén đất, ít bị sâu, bệnh, nắng càng nhiều lại càng xanh mà chi phí đầu tư lại không nhiều. Tuy nhiên, để tre Bát Độ có năng suất cao cần phải bón phân liên tục, nhất là sau các đợt thu hoạch" - ông Vũ cho biết.

Được biết, mô hình Trồng tre Bát Độ lấy măng của gia đình ông Vũ đang được lãnh đạo xã Bình Hòa Đông và Thường trực Hội CCB huyện Mộc Hóa đánh giá là mô hình phát triển kinh tế giúp giảm nghèo hiệu quả, có thể nhân rộng, góp phần giúp hội viên Hội CCB thoát nghèo bền vững./.

Cựu Chiến binh Long An

Chia sẻ bài viết