Ông Ngô Hoài Phong trải lòng về những ngày vất vả và cố gắng của bản thân
Ông Ngô Hoài Phong là cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, được Trung ương hội tặng bằng khen, vinh dự 3 lần dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Nhiều năm liền, ông nhận bằng khen của UBND tỉnh, giấy khen của UBND thị xã Kiến Tường do có thành tích xuất sắc trong các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. |
Một thời “buôn gánh bán bưng”
Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Quảng Nam đầy nắng gió, vất vả, ông Bảy tự nhủ với bản thân không thể cam chịu số phận. Vậy là, một mình ông khăn gói vào miền Nam lập nghiệp. Năm 1988, ở đâu cũng khó khăn như nhau nhưng ông vẫn nuôi quyết tâm đổi đời trên đất khách. Mảnh đất Mộc Hóa (nay là thị xã Kiến Tường), tỉnh Long An trở thành điểm dừng chân trên chuyến hành trình tìm tương lai của ông.
Mảnh đất ấy, ngày đó cũng không khá hơn quê nhà là bao nhưng ông vẫn cố gắng bám trụ để tìm cơ hội. Toàn bộ số vốn mang theo chỉ đủ cho ông cất một chỗ che mưa, che nắng và chọn buôn bán làm cách mưu sinh. Hàng ngày, ông dậy thật sớm, rảo quanh các hộ dân trong vùng để mua rau rồi đem ra chợ bán lẻ, chủ yếu “buôn gánh bán bưng”, lấy công làm lời. Những hôm bán không hết, ông Bảy tận dụng rau ế để nuôi heo, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.
Trái ngọt
Dù cuộc sống vất vả nhưng người con miền Trung ấy vẫn có niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ thành công. Ông hạch toán, bài toán kinh tế của mình chi li, rõ ràng, rất hợp lý dù chưa qua một trường lớp đào tạo nào. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, cuộc sống của người cựu chiến binh ấy (ông Phong từng tham gia bộ đội, hội viên hội Cựu chiến binh) bớt khó nhọc hơn nhưng không dư dả là bao. Vì thế, ông luôn muốn tìm một hướng đi mới, bền vững hơn so với bán rau, nuôi heo.
Sau thời gian khảo sát, ông mạnh dạn vay vốn Nhà nước 150 triệu đồng để mua xe tải chở hàng và chuyển sang mở cơ sở kinh doanh hải sản tươi sống. Lúc đầu, cơ sở của ông chỉ trao đổi chủ yếu tại địa bàn. Tích góp ít vốn, ông mở rộng thị trường sang các địa phương khác trong tỉnh, rồi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và một vài tỉnh miền Trung. Ông Bảy vươn lên thành hộ khá trên địa bàn, mua thêm được vài chiếc xe tải cỡ lớn để chở hàng và xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang.
Ông Ngô Hoài Phong chia sẻ: “Trong kinh doanh, tôi đặt chữ tín lên hàng đầu, nếu mất tín thì coi như mình là người thất bại”. Cũng vì nguyên tắc, quan điểm sống như vậy mà bạn hàng, người dân đến với cơ sở của ông nhiều hơn, không “bỏ rơi” khi ông gặp khó khăn. Hiện nay, khi nhắc đến Cơ sở Hải sản Sang Duyên, các bạn hàng kinh doanh, người dân trên địa bàn Kiến Tường đều trầm trồ khen ngợi.
Tạo việc làm cho lao động địa phương
Hiện nay, cơ sở của ông tạo việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động với mức thu nhập trung bình từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/tháng, có người trên 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, ông còn tạo việc làm bán thời gian cho hàng trăm lao động khác tại các xã, phường, thị trấn trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập khá.
Ông Nguyễn Văn Phúc, ngụ phường 1, thị xã Kiến Tường, chia sẻ: “Tôi tham gia kháng chiến, bị thương, sức khỏe suy giảm, thu nhập chính của gia đình trông chờ vào trợ cấp thương tật hàng tháng và số tiền ít ỏi từ xe nước mía của vợ. Tiền trang trải cho cuộc sống không đủ, căn nhà xiêu vẹo từ lâu nhưng cũng không được sửa chữa do khó khăn về kinh tế. Biết được hoàn cảnh của gia đình, anh Bảy mời tôi về cơ sở làm việc và hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa lại căn nhà. Anh là ân nhân của gia đình tôi”.
Còn anh Đặng Nhân Giao, ngụ phường 2, thị xã Kiến Tường - lao động tại Cơ sở Hải sản Sang Duyên, cho biết: “Làm việc tại đây rất thoải mái, luôn được anh Bảy hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần. Mỗi tháng, tôi đều được thưởng thêm để khích lệ tinh thần do hoàn thành tốt công việc. Kinh tế gia đình tôi trước đây rất khó khăn nhưng giờ ổn định hơn”.
Lao động tại cơ sở luôn có mức thu nhập ổn định trung bình từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/tháng
Sống là cho…
Dù vươn lên hộ khá nhưng ông Bảy không bao giờ quên những ngày cơ hàn của mình. Ông tự động viên chính mình phải cố gắng mỗi ngày và luôn tìm cách hỗ trợ, chia sẻ với khó khăn của những hộ dân trên địa bàn. Bất cứ hoạt động an sinh xã hội nào được phát động, ông luôn tham gia đầu tiên, đóng góp tích cực và người dân địa phương quá quen thuộc với hình ảnh ông đi thăm, trao quà cho các hộ khó khăn, học sinh nghèo hiếu học nơi đây.
Trung bình hàng năm, ông dùng số tiền hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, ông còn dành riêng số tiền vài chục triệu đồng hỗ trợ đồng đội, hộ nghèo xây lại nhà cho khang trang, đẹp hơn. Ngoài ra, ông thành lập dòng họ học tập với nguồn quỹ khoảng 100 triệu đồng nhằm khen thưởng, động viên con, cháu có thành tích xuất sắc trong học tập.
Gia đình ông nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Như (thị xã Kiến Tường). Ông Phong trải lòng: “Từng trải qua những ngày gian khó nên tôi tự nhủ phải sống thật tốt, làm nhiều việc có ích, đóng góp một chút công sức xây dựng quê hương, mình sống là cho đi chứ đâu thể nhận riêng mình. Năm nay, tôi gần 70 tuổi, bây giờ chỉ mơ ước sức khỏe thật tốt để có thể góp thêm sức, hỗ trợ hộ nghèo, các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo thêm được nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động, nhất là những đồng đội, hộ nghèo”.
Được biết, kế hoạch của ông Bảy trong Tết Nguyên đán sắp tới là tặng khoảng 100 phần quà, vài tấn gạo, giúp những gia đình khó khăn đón tết đầm ấm, trọn vẹn hơn.
Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ thông tin: “Gia đình ông Ngô Hoài Phong là hộ dân tiêu biểu, tấm gương để các hộ khác học tập, noi theo. Không chỉ thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn là mạnh thường quân lớn trên địa bàn. Có được hộ như vậy tại địa phương là niềm động viên lớn để chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt công việc”./.
Thanh Mỹ