Đất chẳng phụ công người
Ông Bân kể, những năm cuối thập niên 80, đất đai thì mênh mông mà sức người thì có hạn, đa phần làm ruộng chỉ đủ ăn không có dư dả. Phần vì kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thời đó còn lạc hậu, lại thêm ruộng đất nhiễm phèn, có cố gắng lắm, năng suất cũng chỉ đạt 2 tấn/ha, chưa kể đến những năm thời tiết không thuận, nhiều gia đình còn mất trắng công sức chăm bón.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, ông Bân còn mở cơ sở sửa chữa máy nông cơ giải quyết việc làm cho lao động địa phương
Thế rồi năm 1992, trong một lần qua nhà bạn chơi, ông vô tình đọc được cuốn tài liệu về cách cải tạo đất phèn cũng như kỹ thuật sản xuất lúa của Tiến sĩ Mai Thành Phụng (lúc ấy đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười). “Mê lắm, khi thấy cuốn sách, tôi như bắt được vàng, cứ thế mà ngồi đọc. Nhưng khi tôi ngỏ ý mượn lại để nghiên cứu thì người bạn ấy nhất định không cho vì sợ tôi làm mất. Lặn lội mấy ngày thuyết phục cuối cùng người bạn cũng đồng ý cho tôi sao chép lại thành một bản về nghiên cứu”.
Cứ thế, từ những kiến thức trong sách, tôi áp dụng ngay trên 5ha đất của gia đình. Đầu tiên là cách trị phèn, rồi kỹ thuật sản xuất, năm sau năng suất lúa tăng gấp đôi so với bình thường. Có vụ 1ha cho năng suất đến 6 tấn. Nhiều người còn không tin vào thành quả lao động của gia đình tôi, vì thời ấy, lúa chẳng khi nào trúng mùa mà năng suất cao đến như thế. Và cũng từ những vụ lúa bội thu, gia đình tôi có thêm của ăn của để, mở rộng diện tích đất canh tác với gần 20ha.
Hiện nay, ngoài 20ha lúa, ông còn đầu tư thêm máy cày, máy làm đất, máy bơm nước để tiết kiệm chi phí sản xuất của gia đình cũng như phục vụ người dân trong vùng. Riêng trong năm vừa qua với giống lúa chủ lực VD20 cho năng suất từ 8,5 - 10 tấn/ha, với giá bán cao đã mang lại cho gia đình ông lợi nhuận trên 500 triệu đồng.
Nòng cốt của các phong trào ở địa phương
Ngoài làm kinh tế giỏi, ông luôn tạo mối quan hệ tốt với xóm giềng, tích cực trong các cuộc vận động của địa phương, đoàn thể. Hằng năm, ông hỗ trợ vốn, giống theo mùa vụ cho một số hộ khó khăn giúp họ thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống. Anh Phan Văn Mến, ở ấp Gò Cát một trong những hộ gia đình được ông giúp đỡ cho biết: “Lúc trước, tôi làm thuê cho gia đình ông Bân, sau đó được ông giúp đỡ cho mượn đất sản xuất, đến nay, gia đình tôi mua được đất, xây được ngôi nhà. Không chỉ tôi mà còn nhiều hộ gia đình khác cũng được ông Bân giúp đỡ”.
Ông Võ Văn Bân bên những bằng khen, giấy khen trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Năm 2015, thấy người dân chủ yếu đi lại bằng xuồng, ông mạnh dạn đi từng nhà vận động để chung sức làm đường giao thông nông thôn. Điển hình như tuyến đường KT3, chiều dài 4km với 2 cây cầu bắc qua kênh, rạch với tổng trị giá 150 triệu đồng, trong đó, gia đình ông đóng góp 50 triệu đồng. Hay trước đó, ông cũng vận động nhân dân hạ thế được 1 công trình điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và thắp sáng sinh hoạt cho trên 20 hộ dân, hỗ trợ Trường Tiểu học Vĩnh Trị san lấp mặt bằng sân trường, tặng xe đạp cho con em có hoàn cảnh nghèo khó, nhằm giúp các em có điều kiện đến trường,...
Với những cố gắng của mình, liên tục nhiều năm liền, ông được các cấp tặng nhiều giấy khen, bằng khen trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, gương sáng trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vinh dự hơn khi cuối năm qua, ông cũng là một trong những người con đại diện cho quê hương Long An được về thăm quê Bác./.
Kiên Định