Tiếng Việt | English

19/12/2015 - 17:27

Làm giàu từ nuôi ruồi lính đen

Về ấp Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hỏi thăm người thầy có biệt danh “vua ruồi” hầu hết ai cũng biết. Đó là thầy Phạm Văn Bé - người kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhờ nuôi ruồi.

Ông Bé bên trại ruồi lính đen

Vào năm 2010, ông Phạm Văn Bé (SN 1968, giáo viên Trường Tiểu học Đức Lập Thượng B) được nhiều người biết đến vì là người đầu tiên trong huyện thành công với mô hình nuôi rắn mối. Ông nổi tiếng với tên “vua rắn mối”.

Cách đây 4 năm, khi nuôi bồ câu, ông Bé quan sát thấy ruồi và nhặng xanh thường đẻ trứng vào phân bồ câu. Sau vài ngày, giòi ruồi sinh trưởng để phân hủy phân. Giòi ruồi sau đó được đem cho gà ăn. Vì vậy, ông có ý định nuôi giòi ruồi để làm thức ăn cho vật nuôi, tạo vòng tròn khép kín trong chăn nuôi và giảm chi phí thức ăn.

Sau 6 tháng thử nghiệm, ông nhận thấy ruồi già và nhặng xanh là loại côn trùng gây hại, khi tập trung ở quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và vật nuôi.

Cách đây 18 tháng, ông quyết định tìm hiểu lại cách nuôi ruồi nhưng với giống khác và ông đã tìm được một loài ruồi có đặc điểm thân thiện với con người và vật nuôi, đặc biệt có khả năng phân hủy rác tốc độ nhanh. Đó là ruồi lính đen.

Ông Bé chia sẻ: “Lúc mới thành lập trại nuôi ruồi lính đen nhiều người bảo tôi điên nhưng tôi không nản chí. Ngày đầu nuôi ruồi việc gầy giống là vô cùng khó khăn. Ruồi lính đen khó tìm ngoài tự nhiên, vì vậy, tôi phải tự gầy đàn duy trì phát triển giống. Ở Việt Nam hầu như rất ít người biết về ruồi lính đen”.

Ruồi lính đen

Với số vốn ban đầu 50 triệu đồng để xây nhà xưởng, bể nuôi và mua khay để ấp trứng, đến nay thu nhập từ việc bán ruồi lính đen gần 20 triệu đồng/tháng.

Hiện mỗi tuần trại ruồi của ông Bé cho ra khoảng 150kg (1kg từ 6.500 - 7.000 con). Đầu ra chủ yếu là các trang trại heo, gà, cút, bò sữa,…. Ngoài ra còn bán ấu trùng cho các đối tác nuôi tôm.

Một điều khá thú vị là thời gian sống của ruồi trưởng thành rất ngắn, chỉ 1 tuần. Tuy nhiên, ấu trùng này có tốc độ xử lý rác thải hữu cơ rất cao (trung bình gấp 5 lần trọng lượng cơ thể), thời gian xử lý dài (từ 2-3 tuần). Ngược lại, vòng đời ngắn nên nếu không nắm vững kỹ thuật có thể làm hỏng ấu trùng trong một vòng đời sinh trưởng.

Ruồi lính đen trưởng thành không có miệng, chúng không ăn trong quá trình sống khoảng 7 ngày. Hiện thức ăn chủ yếu mà ông Bé cho ruồi lính đen ăn là phân bồ câu, phụ phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, muốn cho ruồi lính đen phát triển tốt cần có nhà lưới ngoài tự nhiên có mái che để tránh mưa; nhà lưới dành cho ruồi trưởng thành giao phối và đẻ trứng; riêng bể nuôi ấu trùng xử lý rác thải đặt trong nhà có mái che.

Với những ưu điểm vượt trội về tính năng xử lý rác thải và nguồn thức ăn hiệu quả trong chăn nuôi của ruồi lính đen thì hiện nay đầu ra vô cùng thuận lợi. Mặc dù ban đầu chỉ nghĩ đây là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập nhưng với những kết quả khả quan, trong tương lai ông Bé sẽ mở rộng trang trại.

Máng nuôi ruồi lính đen

Ông Bé cho biết thêm: “Ngoài những đặc điểm như giá thành cao, tính năng xử lý rác vượt trội thì ấu trùng ruồi lính đen có thể sấy khô, bảo quản trong vòng 8 tháng. Khu vực chăn nuôi ruồi lính đen để xử lý phân gia súc, gia cầm thì số lượng ruồi nhặng gây hại giảm đến 98% do bản thân ruồi lính đen tiết ra chất kháng lại các côn trùng khác. Ngoài ra, hàm lượng dinh dưỡng trong ấu trùng ruồi lính đen có đến 42% protein và 35% chất béo”.

Hiện nay, trại nuôi ruồi lính đen của ông Bé đặt tại số 76 ấp Đức Ngãi 1, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ông cho biết sẵn sàng hỗ trợ bà con nông dân quan tâm đến mô hình nuôi ruồi lính đen theo cách thức: tư vấn, hướng dẫn và cung cấp con giống, xây dựng diễn đàn đầu tiên và duy nhất hiện nay về ruồi lính đen.

Chị Lê Hồ Thanh Thảo (Giám đốc Công ty TNHH Pi Link, TP.HCM) - một người cũng bắt đầu khởi nghiệp bằng nuôi ruồi lính đen, cho biết: “Việc sử dụng côn trùng trong chăn nuôi là xu hướng tất yếu của thế giới. Đặc biệt, ruồi lính đen được tổ chức nông lương Liên Hiệp Quốc FAO công nhận là giống côn trùng được ưu tiên xử lý rác thải và sử dụng hàm lượng protein thay thế cho tài nguyên cá đang cạn kiệt”.

 

Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia illucens, là một loại ruồi được nhiều nước trên thế giới sử dụng để phân hủy rác thải hữu cơ rất hiệu quả. Ruồi lính đen có sẵn trong môi trường tự nhiên nước ta; con trưởng thành màu đen, dài 12-20mm, giống loài ong. Vòng đời của ruồi lính đen kéo dài hơn 1 tháng, bắt đầu từ trứng, ấu trùng, nhộng, cuối cùng lột xác thành ruồi lính đen. Con trưởng thành sống khoảng 3-5 ngày, không ăn uống ,sống dưới bóng cây. Mỗi con cái đẻ khoảng 500 trứng rồi chết. (Khampha.vn)

CTV Duy Phong

Chia sẻ bài viết