Tiếng Việt | English

18/10/2018 - 19:17

Làm mới tiết Sinh hoạt lớp

Sau chủ đề “Thành lập các câu lạc bộ trong trường học - tại sao không?” trong chuyên mục Hoa học trò số trước, có nhiều ý kiến của thầy, cô giáo về vấn đề này. Chuyên mục Hoa học trò kỳ này xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết - giáo viên Trường THCS Tân Ân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An về cách “làm mới” tiết Sinh hoạt lớp (SHL) hàng tuần.

Sinh hoạt lớp là tiết học chính khóa, do giáo viên chủ nhiệm phụ trách, nhưng từ lâu, đối với học sinh, tiết học này có phần nhàm chán, giống như thời gian để giáo viên giải quyết... những vụ việc không đáng có xảy ra trong tuần. Đôi khi, tiết SHL trở thành nỗi ám ảnh của một số học sinh, nhất là những em vi phạm nội quy, khiến tiết học trở nên căng thẳng.

Minh họa: Internet

Minh họa: Internet

Từ thực tế đó, Trường THCS Tân Ân thay đổi nội dung tiết SHL. Theo đó, với 45 phút sinh hoạt, giáo viên chủ nhiệm dành phân nửa thời gian tổng kết hoạt động trong tuần, đưa ra phương hướng hoạt động cho tuần tới. Những hoạt động trong tuần của lớp được tái hiện thông qua bảng tổng kết của các tổ, nhận xét của cán bộ lớp về tình hình học tập và thực hiện nội quy. Ý kiến, thắc mắc của học sinh được giáo viên chủ nhiệm giải đáp cặn kẽ,... sau đó, chọn ra tổ và các cá nhân tiến bộ, xuất sắc trong tuần để khen thưởng. Đây là nguồn động viên, khích lệ đối với những học sinh có tiến bộ, đồng thời nhắc nhở những em chưa thực hiện tốt nội quy khắc phục trong tuần sau. Đối với những em thường xuyên phạm lỗi, chậm khắc phục, giáo viên chủ nhiệm làm việc riêng sau giờ SHL hay vào dịp khác. Phân nửa thời gian còn lại của tiết SHL mang tên “Tiết mục thân thiện”. Giáo viên tổ chức cho các em tham gia những trò chơi dân gian, tiết mục văn nghệ trên tinh thần vui tươi, thoải mái, thân thiện. Những hoạt động này giúp học sinh giảm căng thẳng, tạo điều kiện cho các em phát huy năng khiếu, sở trường. Đặc biệt, tiết SHL cuối tháng sẽ lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Năm học 2018-2019, trường đưa ra thêm nội dung “Dạy học làm người”. Giáo viên chủ nhiệm chọn lọc, sưu tầm những câu chuyện có thật trong cuộc sống đời thường kể cho học sinh nghe. Mỗi câu chuyện mang đến một thông điệp, ý nghĩa nhân văn, giúp các em tự cảm nhận, soi rọi lại bản thân mình.

Cách “làm mới” tiết SHL như thổi một luồng gió mới, tạo môi trường thân thiện, giúp học sinh hứng thú hơn và tiết SHL không còn nhàm chán như trước./.

Nguyễn Thị Bạch Tuyết

Chia sẻ bài viết