Hội Khuyến học huyện Châu Thành vận động mạnh thường quân thực hiện chương trình tiếp sức đến trường cho học sinh
Học tập suốt đời
Quyết định 281/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/02/2014 nhằm mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai 4 mô hình: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và Đơn vị học tập. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh Long An đến cơ sở luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện quyết định này. Qua đó, góp phần xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Giai đoạn 2014-2015, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh chọn xã Long Trạch (huyện Cần Đước) làm đơn vị thí điểm của tỉnh và xã Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) làm thí điểm của các địa phương vùng Đồng Tháp Mười để thực hiện 4 mô hình học tập. Cấp huyện chọn 1 xã, phường, thị trấn hoặc chọn riêng 1 ấp, khu phố, trường học, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo làm điểm thực hiện.
Giai đoạn 2016-2020, 4 mô hình học tập và cộng đồng học tập cấp xã được triển khai đại trà. Tỉnh tiếp tục chọn xã Long Trạch và xã Bình Hiệp là 2 đơn vị chỉ đạo điểm triển khai đại trà xây dựng 4 mô hình học tập và cộng đồng học tập cấp xã. Cấp huyện cũng chọn một xã, phường, thị trấn làm đơn vị chỉ đạo điểm để xây dựng cộng đồng học tập và nhân rộng 4 mô hình học tập ở cơ sở. Đến cuối năm 2018, tỉnh cơ bản hoàn thành vượt chỉ tiêu và kế hoạch của Trung ương giao theo Quyết định 281/QĐ-TTg (trước thời hạn 2 năm). Theo đó, gia đình học tập đạt vượt 24,34%, dòng họ học tập đạt vượt 50%, cộng đồng học tập đạt vượt 37,96%, đơn vị học tập đạt vượt 43,34% so với kế hoạch giao.
Thực hiện Quyết định 281/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ðề án “Ðẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị học tập đến năm 2020”, huyện Châu Thành triển khai nhiều hoạt động, mô hình khuyến học nhằm tạo điều kiện cho người dân ở mọi lứa tuổi tham gia học tập, cập nhật kiến thức. Qua đó, nâng cao nhận thức người dân về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập tại địa phương.
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Châu Thành - Trần Thị Ngởi cho biết: “Huyện xây dựng gia đình, dòng họ khuyến học; khu dân cư hiếu học; quan tâm tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới giáo dục, quản lý tốt trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng tại các xã, thị trấn. Đồng thời, xây dựng nội dung giáo dục phù hợp với nguyện vọng nhân dân, nhu cầu thực tiễn tại địa phương theo phương châm “cần gì học nấy””.
Đến cuối năm 2019, huyện có 13/13 xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn cộng đồng học tập; 28 dòng họ đăng ký và đạt dòng họ học tập; 91 ấp, khu phố đăng ký và đạt chuẩn cộng đồng học tập. Ngoài ra, đơn vị học tập cấp xã đã công nhận 49/49 cơ quan, trường học đạt đơn vị học tập; 26.717/27.219 gia đình đạt gia đình học tập.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Qua đăng ký và bình xét gia đình học tập giúp người dân tích cực tham gia xây dựng các mô hình học tập. Từng gia đình quan tâm hơn đến việc học hành của con cháu. Người lớn cũng ý thức hơn việc tự nghiên cứu sách, báo, nghe tin tức; tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề, các lớp tập huấn, dạy nghề do địa phương tổ chức.
Ông Huỳnh Văn Thuần (ấp 6, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết: “Từ khi Hội Khuyến học huyện phát động các phong trào, mô hình học tập, gia đình tôi đăng ký tham gia và đạt danh hiệu gia đình học tập nhiều năm liền. Nhờ xây dựng gia đình học tập mà gia đình tôi có điều kiện trang bị thêm kiến thức, các con đều thành đạt, gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Tôi mong thời gian tới, xã sẽ mở thêm nhiều lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật để người dân được theo học và áp dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống. Gia đình tôi quyết tâm giữ vững danh hiệu gia đình học tập và phấn đấu đạt gia đình học tập tiêu biểu trong tương lai”.
Công tác xây dựng xã hội học tập cũng được đưa vào Nghị quyết Huyện ủy, các đảng bộ xã và được các ban, ngành, đoàn thể phối hợp thực hiện. Ấp Bình Trị 1, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc thực hiện mô hình cộng đồng học tập, gia đình học tập, đơn vị học tập và dòng họ học tập. Người dân trên địa bàn ấp sống bằng nghề nông nên tích cực học tập để ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập ấp Bình Trị 1 còn phối hợp Hội Khuyến học xã vận động mạnh thường quân hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vận động học sinh ra lớp; đồng thời, khen thưởng học sinh theo từng năm học, học sinh giỏi 5 năm, 10 năm liền, học sinh đậu thủ khoa các trường chuyên và tốt nghiệp THPT. Theo Trưởng ấp Bình Trị 1 - Lê Minh Giang, số lượng gia đình đăng ký phấn đấu đạt gia đình học tập tăng dần qua từng năm. Nếu như năm 2016, có 385/408 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập thì đến nay có 696/696 gia đình đạt danh hiệu này, ấp giữ vững danh hiệu cộng đồng học tập. Thời gian tới, ấp xây dựng chi hội khuyến học, nâng cao chất lượng cộng đồng học tập, giữ vững thành tích trong phổ cập giáo dục và phối hợp triển khai các mô hình học tập giai đoạn 2020-2025.
Giáo dục và đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu. Việc nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, ngành học góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Thời gian tới, Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng nhằm góp phần đưa tỉnh nhà phát triển bền vững, toàn diện./.
Quang Nguyên