Tiếng Việt | English

25/01/2017 - 07:48

Làng nghề rộn rã vào xuân

Tháng cuối cùng trong năm cũng là khoảng thời gian mà nhiều nghề trên địa bàn tỉnh tập trung nhân lực, vật lực để tạo ra nhiều sản phẩm cho thị trường tết. Không khí sản xuất diễn ra nhộn nhịp ở những làng nghề báo hiệu một năm mới sắp đến.

Ngọt ngào mứt tết

Xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An với nghề làm mứt có mặt từ hơn 30 năm nay. Nghề truyền thống này diễn ra nhộn nhịp vào những tháng cận tết. Cứ vào thời điểm tháng 11 và tháng Chạp hàng năm thì Lạc Tấn có từ 25 đến 30 hộ tất bật làm mứt. Bình quân mỗi năm, có từ 50-60 tấn mứt thành phẩm, với giá bán dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg.

Cơ sở làm mứt của chị Huỳnh Ngọc Lan luôn quan tâm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Chị Nguyễn Thị Tám, ngụ ấp 5, xã Lạc Tấn phấn khởi: “Mỗi mùa xuân về, người dân xóm này lại rộn rã với nghề truyền thống làm mứt. Riêng gia đình tôi làm theo đơn đặt hàng của những mối quen. Khách hàng đặt bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Tôi bắt đầu làm từ tháng 11 âm lịch cho đến giữa tháng Chạp. Sản phẩm làm ra được khách hàng mua trực tiếp tại nhà. Gia đình chỉ làm mứt gừng, mứt me và mứt mãng cầu. Để mứt ngon và bảo đảm an toàn thực phẩm, tôi lấy nguồn nguyên liệu rõ nguồn gốc và có chất lượng ở tỉnh Tiền Giang. Cứ vào dịp tết, gia đình sản xuất khoảng 400kg mứt me, 500kg mứt gừng và 300kg mãng cầu. Trừ chi phí, dịp tết, gia đình thu lãi trên 20 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình đón năm mới được đầy đủ hơn”.

Nhờ những bí quyết truyền thống của gia đình nên thương hiệu Cơ sở sản xuất mứt Huỳnh Ngọc Lan, ở ấp 5, xã Lạc Tấn được nhiều người biết đến. Mứt của cơ sở có mặt trên thị trường trong và ngoài huyện Tân Trụ gần 30 năm nay. Vì vậy, sản phẩm của chị ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường. Cơ sở sản xuất này được Sở Công Thương cấp giấy phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tết năm nay, chị sản xuất khoảng 1,5 tấn mứt me và mứt gừng. Mỗi năm, gia đình chị thu nhập vào dịp tết từ 50-100 triệu đồng tùy giá cả và thị trường tiêu thụ. Để tránh côn trùng và bụi, gia đình chị thiết kế việc phơi mứt trong giàn lưới.

Chị Trương Thị Ngọc Nga đang bận rộn với nghề làm mắm

Chị Ngọc Lan cho biết: “Điều mà tôi quan tâm nhất đối với sản phẩm của mình là bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, tạo uy tín trên thị trường. Vì vậy, gia đình có 0,1ha đất trồng tắc để tẩy rửa nguyên liệu chứ không dùng hóa chất. Vào mùa thì các thành viên trong gia đình ai cũng rất vất vả, làm việc suốt ngày cả đêm, nhưng mà vui vì có thêm thu nhập. Mong rằng, giá cả ổn định để gia đình có một cái tết sung túc hơn”.

Đậm đà vị quê hương

Một trong những sản phẩm được người dân ưa chuộng trong những ngày tết là mắm còng. Vì vậy, nghề truyền thống làm mắm còng ở xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cũng đang rộn ràng vào mùa. Nghề này được biết đến mấy chục năm nay. Toàn xã có 25 hộ làm mắm còng. Một trong những hộ làm nhiều mắm còng là gia đình chị Trương Thị Ngọc Nga, ở ấp Tân Thanh B, xã Phước Lại.

Chị Nga bày tỏ: “Người dân chúng tôi tận dụng từng con còng để làm mắm. Những năm gần đây, còng hiếm nên mắm còng không đủ bán. Ngày thường, bình quân 1 tháng bán chỉ từ 20-25kg mắm, tháng cận tết thì bán gấp đôi số lượng. Ngoài ra, gia đình còn làm mắm tôm chà, tôm chua và mắm tép. Những loại mắm này cũng bán “chạy” nhất vào tháng 11, 12 âm lịch. Mắm tôm chà bán rất “chạy” nên gia đình làm không đủ để bán cho khách hàng. Nghề này không chỉ giúp gia đình tôi phát triển kinh tế mà còn có thêm thu nhập kha khá trong dịp tết”.

Cơ sở sản xuất lạp xưởng Chín Thanh của anh Nguyễn Hoàng Luân ăn nên làm ra mỗi khi xuân về, tết đến

Đi cùng với nghề làm mắm còng, làm mứt thì nghề làm lạp xưởng cũng ăn nên làm ra mỗi dịp xuân về, tết đến. Cả chục hộ với nghề làm lạp xưởng ở thị trấn Cần Đước miệt mài sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Cơ sở sản xuất lạp xưởng Chín Thanh, ở khu phố 5, thị trấn Cần Đước ngày càng được nhiều người biết đến. Anh Nguyễn Hoàng Luân - chủ cơ sở sản xuất chia sẻ: “Ðây là nghề truyền thống của gia đình. Riêng bản thân tôi làm được 15 năm nay. Nếu như ở thời điểm khác chỉ sản xuất bình quân từ 80-120kg/tuần thì bắt đầu từ đầu tháng 11 âm lịch đến 28 tết, gia đình sản xuất mỗi ngày từ 300-400kg lạp xưởng. Sản phẩm làm ra không chỉ bỏ mối ở TP.HCM, các huyện lân cận mà còn bán lẻ cho khách vãng lai và khách trên địa bàn huyện. Ngày thường, mỗi tuần, gia đình thu lợi từ 2-3 triệu đồng, những ngày giáp tết thì lợi nhuận gấp nhiều lần. Nghề này có thu nhập cao là nhờ vào dịp tết. Mặt khác, hàng năm vào dịp này, gia đình còn tạo việc làm cho trên 10 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Để tạo uy tín cũng như sự cạnh tranh trên thị trường, gia đình tôi luôn chú trọng đến chất lượng cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm”.

Ngoài ra, Tết Nguyên đán còn là mùa làm ăn của người dân làm bánh in Long Hựu ở xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây; dệt chiếu ở xã Long Cang, Long Định, Long Sơn, huyện Cần Đước; làm bánh tráng ở phường 5, TP.Tân An và xã Tân Phú, huyện Đức Hòa,...

Những sản phẩm được người dân tập trung sản xuất trong dịp tết đến, xuân về đang góp phần xây dựng thương hiệu trên quê hương Long An. Việc làm ra các sản phẩm được thị trường ưa chuộng, cùng mang hơi xuân, hương vị tết đến mọi người, mọi nhà.

Những sản phẩm được người dân tập trung sản xuất trong dịp tết đến, xuân về đang góp phần xây dựng thương hiệu trên quê hương Long An. Việc làm ra các sản phẩm được thị trường ưa chuộng, cùng mang hơi xuân, hương vị tết đến mọi người, mọi nhà./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết