1. 73 tuổi đời, bà Nguyễn Thị Cúc, ở ấp Rạch Đào, xã Mỹ Lệ có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm bánh phồng. Nghề "cha truyền con nối" này bén duyên với bà từ năm 16 tuổi. "Ngày đó, tôi làm thuê cho các lò bánh phồng trong xóm nên học nghề từ đây. Nghề này rất khó học, nhất là phần cán bánh. Người cán phải khéo léo thì bánh không bị vỡ, mỏng, khi nướng sẽ chín đều hơn" - bà Cúc nói.
Dịp tết là khoảng thời gian bánh phồng Mỹ Lệ vào mùa để phục vụ khách hàng gần, xa
Học nghề đã khó, giữ nghề càng khó hơn! Nghề làm bánh phồng rất vất vả, phải thức trắng đêm để làm ra những chiếc bánh phục vụ khách hàng. Ai kiên trì và thật sự yêu nghề mới có thể gìn giữ đến tận hôm nay. Theo bà Cúc, hơn 10 năm trước, bánh phồng được làm mỗi ngày với số lượng vài trăm kilogam, bỏ mối cho chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh ở TP.HCM và các chợ trong huyện. "Bây giờ, khách hàng ở TP.HCM vẫn gọi điện thoại đặt hàng vì thích hương vị bánh phồng Mỹ Lệ nhưng từ lúc không làm bánh mỗi ngày như trước, tôi cũng thôi giao hàng ở những nơi xa như thế vì không đủ số lượng bánh. Tuổi càng cao nên mấy năm nay, chỉ đến dịp tết, tôi mới làm bánh bán cho các chợ trong huyện Cần Đước" - bà Cúc nói thêm.
Ở xã Mỹ Lệ bây giờ, số hộ làm bánh phồng "đếm trên đầu ngón tay" và chỉ khi xuân về, tết đến, nghề này mới “thức giấc”. Giữ nghề là giữ lại hồn quê, giữ hương vị tết xưa với chiếc bánh phồng cúng ông bà, tổ tiên và là món bánh dùng chung với nước trà đãi khách. Vào mùa tết, nhiều khách hàng đặt mua nên các lò tất bật làm bánh để có thêm nguồn thu nhập đón xuân.
Tết này, mỗi ngày, bà Cúc làm 3.000 cái bánh phồng loại lớn, bán với giá 150.000-170.000 đồng/100 bánh tùy loại bánh nếp hay bánh bột mì. Dù lò bánh phồng của bà Cúc nằm sâu trong con đường đal nhỏ ở ấp Rạch Đào nhưng vẫn có nhiều khách hàng biết, tìm đến mua. Bà Cúc nói rằng: "Ngoài số bánh bỏ mối cho các chợ trong huyện Cần Đước, số bánh còn lại, tôi bán tại nhà. Mỗi cái tết, tôi cũng kiếm cả chục triệu đồng tiền lời".
Theo bà Cúc, muốn bánh ngon thì nếp làm bánh phải là nếp rặt, không lẫn gạo. Nếp đem ngâm, xôi rồi quết thật mịn, trộn với đường cát, dừa, sau đó đem cán và phơi. Vì tết làm số lượng nhiều nên bà thuê thêm 4 nhân công cán bánh từ 21 giờ đến 5 giờ sáng mỗi đêm. Tuy vất vả nhưng mùa tết là mùa vui của các lò bánh phồng như lò của bà Cúc.
2. Đỡ vất vả hơn bà Cúc, lò bánh phồng Tư Cuộc, ở ấp Rạch Đào, xã Mỹ Lệ chuyển từ cách làm thủ công sang làm bằng máy hơn 10 năm nay. "Hồi đó làm bánh thủ công cực quá, nhất là khâu quết, cán bánh nên tôi xuống huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang xem các lò làm bằng máy và mua máy về lắp, sử dụng tại nhà" - bà Nguyễn Thị Bé, chủ lò bánh phồng Tư Cuộc cho biết.
Vì làm máy nên số lượng bánh làm ra nhiều, đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường trong dịp tết. Nếu làm thủ công như trước, mỗi ngày, bà làm 50kg bột nhưng rất vất vả thì bây giờ, với vài nhân công đứng máy từ 20 giờ đến 3 giờ sáng, lò bánh phồng Tư Cuộc làm số lượng tăng gấp đôi - 100kg bột nếp mỗi đêm. Theo bà Bé, bánh làm ra đến đâu là bán hết đến đó với giá từ 200.000-250.000 đồng/100 bánh. Mỗi ngày bán bánh, bà kiếm lời gần 5 triệu đồng.
Đóng gói bánh phồng Mỹ Lệ chuẩn bị giao hàng cho khách
Khách hàng đến mua bánh ở lò bánh phồng Tư Cuộc vừa có khách vãng lai, người trong huyện, vừa có khách xa ở TP.HCM, tỉnh Tiền Giang. “Ở nơi khác cũng có bánh phồng nhưng khách vẫn đến đây mua bánh vì bánh phồng Mỹ Lệ khi ăn có vị ngọt của đường, béo của dừa và thơm mùi nếp. Đặc biệt, vì làm máy nên bột được quết rất mịn, bánh ra lò rất ngon” - bà Bé chia sẻ.
Ngoài vị ngon rất riêng, lò bánh phồng Tư Cuộc và bà Cúc còn quan tâm đến an toàn thực phẩm. Trong quá trình sản xuất, các nhân công đều mang găng tay, đường sử dụng trộn với nếp là đường cát trắng chứ không dùng đường hóa học. Hai lò bánh phồng này được chứng nhận an toàn thực phẩm. Vì vậy, người mua tin tưởng khi lựa chọn bánh phồng Mỹ Lệ trong dịp tết.
Một ngày của những người làm nghề bánh phồng khá vất vả khi phải thức đêm lẫn ngày làm bánh và phơi bánh. Dù cực đến đâu, những người níu giữ hồn quê này vẫn vui khi hương vị quê nhà được nhiều khách hàng ưa chuộng. Niềm vui ấy vì nghề truyền thống cha truyền con nối này còn mang đến cho người làm nghề nguồn thu nhập để đón tết sung túc, ấm áp hơn./.
Thùy Hương