Làm bằng cả cái tâm
Chúng tôi có dịp gặp ông Nguyễn Văn Phận, ngụ ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, trong một lần công tác. Người dân nơi đây gọi ông với cái tên thân quen “ông Chín Phận”. Gần 80 tuổi nhưng ông vẫn lặng lẽ gắn bó với những việc thiện. Hàng ngày, ông cùng đội ngũ lương y, kỹ thuật viên Phòng thuốc đông y chùa Châu Long, xã Bình Quới đi tìm dược liệu. Bất kể là ngày nắng hay ngày mưa, ông vẫn miệt mài với công việc. Gần 10 năm gắn bó, ông Chín chữa bệnh cho vô số bệnh nhân trong và ngoài xã. Nhiều người tìm đến phòng thuốc để chữa bệnh thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, đau nhức xương khớp,... Bà Trương Thị Ánh, ngụ phường 1, TP.Tân An, cho biết: “Tôi thường xuyên đến đây để được châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt. Ở đây, ai cũng nhiệt tình, nhất là ông Chín, dù tuổi cao nhưng vẫn gắn bó với phòng thuốc. Phòng thuốc chữa bệnh hoàn toàn miễn phí”. Ngoài cấp phát thuốc, trị liệu, ông Chín còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ những suất ăn từ thiện cho người dân, nhất là người nghèo. Hàng tháng, ông dành 4 ngày phát cơm từ thiện tại Bình Quới, mỗi ngày hơn 70 suất. “Mong ước lớn nhất của tôi là có sức khỏe để giúp đỡ những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn hơn mình” - ông Chín Phận chia sẻ.
Gần 80 tuổi nhưng ông Chín Phận vẫn lặng lẽ làm việc thiện
Làm việc thiện với tất cả cái tâm là quan niệm của bà Lê Thị Thanh Phượng, ngụ phường 2, TP.Tân An. Với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn của những bệnh nhân nghèo, sau khi nghỉ hưu, bà Phượng tình nguyện tham gia bếp ăn từ thiện tại tịnh xá Ngọc Tâm (phường 3, TP.Tân An). Trung bình mỗi ngày, bếp ăn phục vụ khoảng 900 suất cơm miễn phí 2 bữa trưa và chiều cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Chính vì thế, công việc của bà Phượng thường bắt đầu từ 5 giờ sáng. Từ khâu sơ chế nguyên liệu cho đến chế biến món ăn đều được bà Phượng thực hiện kỹ lưỡng. Việc chế biến các món ăn luôn tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và thực đơn được thay đổi liên tục, bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Mọi công việc phải hoàn tất trước 10 giờ 30 phút để kịp phục vụ cơm trưa. Sau khi phát cơm trưa, bà và các thành viên của bếp lại tất bật chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Bà Phượng tâm sự: “Mang đến cho bệnh nhân nghèo những bữa cơm bảo đảm dinh dưỡng là mong muốn của mọi người trong bếp. Mong rằng, những suất ăn giúp người bệnh vơi bớt khó khăn và an tâm điều trị”.
Mang đến cho bệnh nhân nghèo những bữa cơm bảo đảm chất dinh dưỡng là mong muốn của bà Lê Thị Thanh Phượng và tất cả thành viên bếp ăn từ thiện
Tỏa sáng những tấm lòng nhân ái
Hơn 11 năm làm công tác thiện nguyện là ngần ấy thời gian, ông Phạm Văn Thức, ngụ ấp 4, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, luôn trăn trở với từng công trình phúc lợi ở địa phương. Ông Thức còn nhớ như in câu chuyện 11 năm về trước, khi vận động người dân chung tay xây dựng giếng nước. Có người phải đi mua thiếu phân bón, bán lấy tiền góp vào. Việc làm ấy khiến ông “xót” vô cùng. Và cũng từ đó, ông gắn bó với công việc thiện nguyện. Ông và các thành viên trong gia đình tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Hơn 11 năm qua, ngoài ủng hộ tiền, ông còn vận động người thân, mạnh thường quân đóng góp khoảng 1 tỉ đồng xây dựng, sửa chữa 16 cây cầu, hàng chục kilômét đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi, tặng quà cho học sinh nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Thức bộc bạch: “Làm được việc gì cho dân là vợ chồng tôi mừng lắm! Với tôi, còn khỏe mạnh là còn làm công tác xã hội”. Gần đây, ông Thức phấn khởi báo tin: “Có tiền rồi, giờ chỉ cần bắt tay vào xây dựng cầu giao thông ở ấp 4”. Được biết, cây cầu được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Dự kiến, kinh phí xây dựng 120 triệu đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 40 triệu đồng, gia đình ông Thức hỗ trợ 40 triệu đồng, phần còn lại do người dân đóng góp.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Huỳnh Tấn Khuê nhận định: “Việc làm của ông Thức góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giữ vững danh hiệu xã văn hóa, nông thôn mới. Việc làm thiện nguyện của ông tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Cùng thực hiện công tác xã hội, từ năm 2014, mỗi tháng, ông Nguyễn Thanh Cần hỗ trợ 11 hộ nghèo, mỗi hộ 10kg gạo. Hay bà Lê Thị Dung, mỗi dịp lễ, tết đều tặng từ 30-40 phần quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn”.
Mỗi người làm từ thiện một cách riêng, có người miệt mài với việc chữa bệnh, có người tận tâm chăm chút từng bữa cơm miễn phí, có người trăn trở lo từng công trình phúc lợi ở địa phương và cũng có người là cầu nối cho những tấm lòng thiện nguyện,... Họ làm bằng tất cả cái tâm và ngày ngày thầm lặng giúp ích cho đời.
- Ngày 15/9/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg lấy ngày 25/3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội (CTXH) Việt Nam. Đây là dịp để những người làm CTXH có cơ hội ôn lại truyền thống của nghề; giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong hoạt động.
- Các hoạt động CTXH phổ biến tại Long An hiện nay: Hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo; xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương; tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí; hỗ trợ học tập, học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật,...
- Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai tại cộng đồng liên quan đến những nhóm đặc thù: Quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV; phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống lao, tâm thần; quản lý sức khỏe hộ gia đình, sức khỏe sinh sản; phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn lao động,... được sự tham gia hỗ trợ của cộng tác viên CTXH./.
|
Ngọc Mận-Huỳnh Hương