Nhiều giải pháp để thực hiện
Lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, HLATĐB làm mất mỹ quan đô thị, che khuất tầm nhìn, làm cản trở, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Đây còn là nguyên nhân làm cho hạ tầng giao thông nhanh hư hỏng, xuống cấp. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, HLATĐB vẫn xảy ra trên những tuyến quốc lộ (QL), đường tỉnh (ĐT). Theo Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh - Phùng Văn On, đó chính là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn và xảy ra tai nạn giao thông.
Lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ vẫn xảy ra ở nhiều tuyến đường
Trong thực hiện giải quyết lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, Thanh tra Giao thông phối hợp các ngành, địa phương tập trung giải quyết từng tuyến đường, khu vực cụ thể. Tuyến nào xong thì bàn giao địa phương quản lý, giám sát, cứ thế tiếp tục thực hiện ở tuyến khác. Hiện nay, một số tuyến đường cơ bản đã thực hiện xong việc tháo dỡ lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ và bàn giao cho địa phương quản lý, theo dõi”.
Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Thanh Sơn
|
Việc lập lại trật tự vỉa hè, HLATĐB không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giao thông mà còn liên quan đến nhiều ngành khác. Thế nên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo các ngành, chính quyền địa phương thực hiện công việc này. Theo đó, nhiều ngành, chính quyền các cấp đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm triển khai, thực hiện sát với tình hình thực tế ở địa phương, nhiệm vụ của đơn vị. Nhiều giải pháp được áp dụng như tăng cường tuyên truyền, vận động; thường xuyên tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm; đặt trách nhiệm của người đứng đầu, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương quản lý, giám sát,… được đề ra để thực hiện nhằm tạo chuyển biến mạnh.
Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Thanh Sơn thông tin: “Trong giải quyết lấn chiếm HLATĐB, Thanh tra Giao thông phối hợp các ngành, địa phương tập trung giải quyết từng tuyến đường, khu vực cụ thể. Tuyến nào xong thì bàn giao địa phương quản lý, giám sát, cứ thế tiếp tục thực hiện ở tuyến khác. Hiện nay, một số tuyến đường cơ bản đã thực hiện xong việc tháo dỡ lấn chiếm HLATĐB và bàn giao cho địa phương quản lý, theo dõi”.
Hiện nay, việc lập lại trật tự vỉa hè, HLATĐB có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều người dân đã chủ động tự tháo dỡ các biển báo, quảng cáo, mái che lấn chiếm. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bến Lức - Nguyễn Thành Nam cho biết: “Địa phương kiên quyết xử lý những điểm chợ tự phát buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. Một số chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, HLATĐB đã được giải tán. Dọc tuyến QL1, các cơ sở buôn bán nông - ngư cơ cũng sắp xếp lại máy móc gọn gàng, lùi sâu vào trong, không để ngổn ngang trên hành lang đường bộ như trước”. Hay tại huyện Châu Thành, trước đây, ĐT827 là “điểm nóng” lấn chiếm HLATĐB nhưng đến nay cơ bản đã được tháo dỡ, giải quyết xong.
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý 56 tuyến ĐT và QL ủy thác trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Sở đã chỉ đạo Thanh tra sở và các phòng, ban chuyên môn giải tỏa lấn chiếm HLATĐB và bàn giao cho địa phương quản lý 12 đoạn, tuyến, gồm: ĐT827 (từ Km11+771, Km19+239 đến xã Thanh Phú Long), QL62 (từ Km5+300, Km11+600, đoạn qua địa bàn huyện Thủ Thừa), ĐT819 (đoạn Km0+000 - Km42+000), ĐT831 (đoạn Km5 - Km42+800), ĐT831B, ĐT831C, ĐT824, ĐT825, ĐT826, ĐT835, ĐT835B, ĐT830D (đoạn Km0+000 - Km3+660).
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2020, Thanh tra sở phối hợp chính quyền địa phương thực hiện kế hoạch giải tỏa 14 đoạn, tuyến và sẽ bàn giao cho địa phương quản lý. Cụ thể là ĐT833 (từ Km0+000, Km21+704), ĐT827 (Km0+000 - Km26+790), ĐT827B (từ Km2+742 - Km15), ĐT817, tuyến QL62 các đoạn còn lại, tuyến ĐT819 đoạn qua địa bàn huyện Mộc Hóa, ĐT816, ĐT838, ĐT839, ĐT830, QL50, ĐT826, ĐT826C, ĐT826D, ĐT835C, ĐT835D, ĐT831 (đoạn Km00 - Km5), ĐT831D, ĐT831E, ĐT820.
Tăng trách nhiệm để tránh tái lấn chiếm
Bên cạnh những kết quả, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, HLATĐB còn những khó khăn, tồn tại. Công tác phối hợp địa phương trong thực hiện lập lại trật tự vỉa hè, HLATĐB có lúc, có nơi chưa được thường xuyên. Có những nơi, hiện nay vi phạm HLATĐB rất khó xử lý vì yếu tố lịch sử trước đây chính quyền cho xây cất. Có nơi chưa tiến hành chỉnh lý biến động đất đai trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất vận động nhân dân, phần đất đã được đền bù giải phóng mặt bằng. Song song đó, công tác quản lý HLATĐB chủ yếu mới dừng lại ở bước lập biên bản vi phạm, đình chỉ xây dựng lấn chiếm, xử phạt hành chính chứ cưỡng chế địa phương còn e ngại.
Hành lang một số tuyến đường tỉnh, quốc lộ vẫn bị tái lấn chiếm
Ngoài ra, qua ghi nhận của phóng viên, có một số tuyến đường đã giải tỏa xong lấn chiếm, bàn giao cho địa phương quản lý, tuy nhiên sau đó lại tái lấn chiếm. Do đó, phải tiến hành lập lại trật tự hành lang để tiếp tục bàn giao lần 2.
Để lập lại trật tự, “lấy lại” vỉa hè, HLATĐB đạt hiệu quả cao, bền vững, các ngành, chính quyền địa phương phải vào cuộc đồng bộ với quyết tâm cao, thường xuyên, liên tục kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các vi phạm; đồng thời, nhanh chóng tiến hành chỉnh lý biến động đất đai những nơi chưa thực hiện. Sở Giao thông Vận tải và các cấp chính quyền địa phương phải luôn thực hiện tốt công tác phối hợp, tăng cường tuyên truyền, vận động không lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, HLATĐB để người dân nâng cao ý thức, tự chấp hành. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và kiên quyết xử lý các vi phạm để quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè, HLATĐB.
Nhằm xử lý tình trạng họp chợ tự phát dẫn đến lấn chiếm lòng, lề đường, các cấp, các ngành cần xem xét để quy hoạch xây dựng thêm các chợ phù hợp với yêu cầu thực tế ở địa phương. Sở Giao thông Vận tải và UBND cấp huyện cần duy trì thực hiện tốt công tác xử lý các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ./.
Để lập lại trật tự, “lấy lại” vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ đạt hiệu quả cao, bền vững, các ngành, chính quyền địa phương phải vào cuộc đồng bộ với quyết tâm cao, thường xuyên, liên tục kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các vi phạm”. |
Lê Đức