Tiếng Việt | English

05/10/2024 - 11:13

Lễ kỷ niệm 156 năm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được tổ chức từ ngày 12-14/10  

Theo thông tin từ UBND huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, Lễ kỷ niệm 156 năm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1868 - 2024) diễn ra từ ngày 12-14/10 (nhằm ngày 10, 11 và 12/9 năm Giáp Thìn).

Lễ kỷ niệm được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ với nhiều chương trình thiết thực, chu đáo, tiết kiệm, tạo được ấn tượng sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân. 

Mỗi năm, huyện Tân Trụ đón hàng chục ngàn lượt người dân đến thắp nhang, tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (dân Tân Trụ nói riêng và dân Long An nói chung hay gọi thân thương là cụ Nguyễn) và đồng hành cùng địa phương để tổ chức lễ giỗ được chu đáo, trang trọng.

Lễ kỷ niệm 156 năm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được tổ chức từ ngày 12-14/10 (trong ảnh, nhiều người dân khắp mọi miền đến cùng chung tay với địa phương để tổ chức lễ giỗ được trang trọng, chu đáo)

Hoạt động được huyện Tân Trụ duy trì thực hiện nhiều năm qua, không chỉ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc; bồi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự cường dân tộc mà còn giới thiệu, quảng bá Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo để thu hút khách tham quan du lịch trong và ngoài huyện.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sinh ra và lớn lên tại Xóm Nghề (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức). Từ nhỏ, ông nổi tiếng là người khí khái, giỏi võ nghệ và có lòng yêu nước. Vàm Nhựt Tảo là nơi ông chỉ huy nghĩa quân tiến đánh, đốt cháy tàu L’Espérance (hay còn gọi là tàu Hy Vọng), phá tan âm mưu đàn áp phong trào kháng chiến nhân dân Nam Kỳ của giặc Pháp. Được sự giúp đỡ của hương chức làng Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực cùng các nghĩa quân giả làm đoàn ghe buôn lúa, lên tàu để xin giấy phép thông hành. Trong lúc trình giấy thông hành, ông bất ngờ giết tên lính gác rồi cùng nghĩa quân tràn lên tấn công quân Pháp trên tàu. Không kịp trở tay, toàn bộ địch trên tàu bị tiêu diệt (chỉ có 5 tên chạy thoát). Nghĩa quân dùng dầu và đồ dẫn hỏa đốt cháy tàu. 

Sau chiến công tại Vàm Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp. Trận công đồn tại Rạch Giá, Kiên Giang của ông đã khiến quân thù khiếp sợ. Sau đó, bằng thủ đoạn bắt mẹ ông và người dân làm con tin để uy hiếp, giặc Pháp buộc ông phải nộp mình. Chúng xử tử ông vào ngày 12/9 năm Mậu Thìn. Tấm gương của ông được người dân Long An nói riêng và cả nước nói chung tôn kính./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết