Sản xuất theo chuỗi liên kết nâng cao thương hiệu cho sản phẩm
Tăng lợi nhuận
Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) tham gia sản xuất CĐL vào năm 2013, theo mối liên kết “4 nhà”. Khi đó, nhà doanh nghiệp đến ký kết với HTX cung ứng giống, vật tư nông nghiệp trả chậm đến cuối vụ, bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường 100 đồng/kg. Từ những chính sách thông thoáng của doanh nghiệp hỗ trợ nông dân, xóa đi tập quán tự sản, tự tiêu, chuyển sang làm ăn tập thể. Nông dân tham gia sản xuất trong CĐL được Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí giống và vật tư nông nghiệp.
Anh Lâm Văn Hường - xã viên HTX Gò Gòn, vui vẻ cho biết: “HTX tổ chức sản xuất giúp gia đình tôi hưởng lợi lớn. Sản xuất trong CĐL, từ khâu kỹ thuật, các biện pháp canh tác được kỹ sư, nhà khoa học cầm tay chỉ việc nên đạt kết quả rất cao. Khâu làm đất, thu hoạch và sau thu hoạch được HTX tổ chức dưới hình thức dịch vụ, giá thấp hơn thuê bên ngoài. Giống, vật tư nông nghiệp đầu vào được HTX ký kết với doanh nghiệp cung ứng bằng với giá đại lý cấp một, đến cuối vụ, cân lúa khấu trừ, không tính lãi. Vì vậy, lợi nhuận cao hơn nhiều so với các hộ không tham gia HTX”.
Gặp các thành viên HTX, ai nấy đều phấn khởi! Có những nông dân gần như “không đụng đến ngón tay”, tất cả các khâu đều được cơ giới hóa và dịch vụ lao động lo trọn gói. Giống, vật tư nông nghiệp được doanh nghiệp liên kết HTX đầu tư. Đầu ra được bao tiêu và thu mua cao hơn giá thị trường 100 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn các hộ bên ngoài từ 4-5 triệu đồng/ha/vụ. Hiệu quả sản xuất trong CĐL rất rõ, thu hút nhiều nông dân ở những ấp lân cận xin vào làm xã viên HTX. Giá trị thương hiệu của sản phẩm được nâng lên, người dân thu nhập cao, ổn định cuộc sống, góp phần đổi mới diện mạo nông thôn.
Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Tân Hưng kiêm Giám đốc HTX Gò Gòn - Trương Hữu Trí cho biết: “HTX luôn chủ động trong việc tìm đầu ra ổn định cho xã viên. Sản phẩm của HTX Gò Gòn được sản xuất theo chuẩn VietGAP nên giá trị thương hiệu nâng lên, lợi nhuận của xã viên cao. Chúng tôi luôn chú trọng liên kết “4 nhà” nhằm tạo lợi thế cho nông dân. Hội đồng Quản trị HTX luôn công tâm, nhiệt quyết và đặt lợi ích của xã viên lên hàng đầu trong quá trình liên kết. Vì vậy, uy tín của HTX luôn được các đơn vị đánh giá cao, tạo thuận lợi khi liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tăng lợi nhuận cho xã viên.
Được biết, HTX Gò Gòn thành lập từ năm 2005, tham gia sản xuất CĐL từ năm 2013, hiện nay có 146 thành viên với diện tích canh tác 560ha. Đây là 1 trong 57 HTX tiêu biểu được Trung ương công nhận năm 2016.
Liên kết tạo chuỗi giá trị thương hiệu từ cánh đồng lớn. Ảnh: Duy Bằng
Nâng cao thương hiệu từ chuỗi liên kết
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, HTX Gò Gòn không chỉ bảo đảm về chất lượng mà còn cả về số lượng khi cung cấp cho thị trường tiêu thụ. HTX tổ chức sản xuất hơn 82ha lúa theo quy trình VietGAP và được cấp chứng nhận. Năm 2017, HTX tiếp tục mở rộng lên 300ha theo quy trình VietGAP. Mục tiêu của HTX nhằm đưa sản phẩm của mình vào các thị trường khó tính. Vụ Đông Xuân 2016-2017, HTX tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Mô hình điểm với 17 thành viên tham gia sản xuất 52ha. Kết quả, lợi nhuận của người dân trong mô hình khá cao so với bên ngoài, dao động từ 27-31 triệu đồng/ha (tùy vào dùng máy sạ hay dùng máy cấy để cấy lúa).
Đặc biệt, vụ Đông Xuân 2016-2017, HTX Gò Gòn thành công lớn khi hơn 2.200 tấn lúa của đơn vị chính thức có mặt tại thị trường Mỹ, mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm nông nghiệp của huyện Tân Hưng nói riêng và tỉnh Long An nói chung. Theo ông Trí: “Để vào thị trường tiềm năng này, tất cả xã viên phấn đấu rất nhiều. Chúng tôi tạo được uy tín, sản xuất bảo đảm chất lượng, số lượng, liên kết với đơn vị có tâm, có tầm và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền. Tuy nhiên, khó khăn là diện tích HTX còn ít nên chưa đáp ứng yêu cầu của đơn vị bao tiêu sản phẩm”.
Tháng 6/2017, huyện Tân Hưng thành lập Liên hiệp HTX Tân Hưng với 4 HTX thành viên: HTX Gò Gòn, HTX Hưng Thuận (xã Hưng Thạnh), HTX Hưng Phát (xã Hưng Điền) và HTX Thành Phát (xã Hưng Điền B), với gần 300 thành viên, trong đó, HTX Gò Gòn làm chủ đạo. Liên hiệp HTX đầu tiên của huyện thành lập với mục tiêu tạo chuỗi liên kết, sản xuất các sản phẩm chất lượng, tăng lợi nhuận cho nông dân. Kế hoạch vụ Đông Xuân 2017-2018, Liên hiệp HTX xuống giống khoảng 3.000ha, ứng dụng công nghệ cao, hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ sản phẩm được bao tiêu với giá cao hơn thị trường 100 đồng/kg. Nông dân trong liên hiệp HTX được cung cấp phân, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn 3 triệu đồng/ha so với bên ngoài.
Cũng theo ông Trương Hữu Trí: “Chúng tôi họp các thành viên bầu ra Hội đồng Quản trị, thống nhất chủ trương và bảo đảm đúng mục tiêu khi thành lập. Sản phẩm sản xuất theo chuỗi bảo đảm đủ tiêu chuẩn để có thể thâm nhập thị trường Mỹ với số lượng nhiều hơn (so với 2.200 tấn lúa của HTX Gò Gòn). Liên kết phải đặt uy tín và lợi nhuận của xã viên lên hàng đầu. Liên hiệp không can thiệp vào nội bộ, chiết khấu hoa hồng phân, thuốc bảo vệ thực vật được chia đều cho các HTX thành viên (dựa trên diện tích tham gia sản xuất)”.
Giám đốc HTX Hưng Phát - Kiều Quốc Trung, HTX thành viên Liên hiệp HTX Tân Hưng, chia sẻ: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương thành lập Liên hiệp HTX. Tham gia vào chuỗi liên kết mở ra nhiều cơ hội mới cho HTX. Tuy có khó khăn nhưng chúng tôi cố gắng khắc phục nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Hiện nay, các khâu chuẩn bị đang được hoàn tất để thực hiện đúng kế hoạch”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Hoàng Văn Sinh, thành lập Liên hiệp HTX Tân Hưng đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Các HTX thành viên đều có uy tín, nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm. Huyện tiến hành kiểm tra, phối hợp các HTX thành viên chọn đơn vị có uy tín thực hiện bao tiêu nên bảo đảm vấn đề đầu ra. Vụ Đông Xuân 2017-2018 chính thức bắt đầu triển khai sản xuất, hứa hẹn tạo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nông dân, góp phần đưa mô hình liên kết ngày càng sát với thực tế cuộc sống./.
Thanh Mỹ