Tiếng Việt | English

21/11/2016 - 10:54

Hiệu quả cao từ cánh đồng lớn

“Cánh đồng lớn” (CĐL) đang là mô hình được nông dân trồng lúa tích cực tham gia và mang lại lợi nhuận tương đối khá. Đến nay, toàn tỉnh Long An triển khai được 115 cánh đồng với diện tích gần 30.000ha.


Đến nay, Long An triển khai được 115 cánh đồng lớn với diện tích gần 30.000ha. Ảnh: Duy Bằng

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp chủ động triển khai mô hình CĐL với sự tham gia liên kết “4 nhà” nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng lúa. Đến nay, có 115 cánh đồng được triển khai thực hiện với diện tích gần 30.000ha, đạt 121% kế hoạch. Trung bình, khi tham gia vào CĐL, giá bán bình quân cao hơn so với giá bên ngoài 100-150 đồng/kg; nông dân có lãi từ 14-17 triệu đồng/ha, cao hơn 1,5-2,2 triệu đồng/ha so với sản xuất bên ngoài.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời - Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, nhằm khai thác thế mạnh của vùng Đồng Tháp Mười với mặt hàng lúa gạo, giúp nông dân chuyển từ thế thụ động sang chủ động, được sự ủng hộ của chính quyền tỉnh, Tập đoàn Lộc Trời xây dựng chiến lược phát triển theo chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, góp phần gia tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích sản xuất, cải thiện đời sống nông dân trồng lúa. Tập đoàn Lộc Trời hiện có khoảng 5.000ha vùng nguyên liệu lúa và chọn huyện Vĩnh Hưng để thành lập công ty (Cty), xây dựng nhà kho chế biến, sản xuất lúa gạo.

Hợp tác xã (HTX) Hương Trang (Khu dân cư ấp Bình Nam, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) có khoảng 20 thành viên chính thức và 140 thành viên khác, sản xuất 400ha. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Hương Trang - Trần Văn Sửa cho hay, HTX sản xuất khoảng 400ha lúa và ký hợp đồng thu mua lâu dài với Cty Lương thực Vĩnh Hưng, thuộc Tập đoàn Lộc Trời. Ngoài hợp tác sản xuất lúa, HTX còn mở nhiều dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ lúa do các thành viên sản xuất, dịch vụ thu hoạch lúa,... Đặc biệt, HTX còn làm dịch vụ vận chuyển cho vùng nguyên liệu 5.000ha của Lộc Trời ở Long An, vận chuyển gạo cho khách hàng,...

Năm 2016, doanh thu của HTX đạt 7.549 triệu đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 374 triệu đồng. Theo định hướng và kế hoạch kinh doanh, đến năm 2017-2018, tổng doanh thu trên 21 tỉ đồng, trong đó, diện tích ký hợp đồng thu mua đạt 1.000ha/vụ với doanh thu cung ứng vật tư trên 16,5 tỉ đồng; doanh thu về vận chuyển là 4 tỉ đồng;... Từ các dịch vụ này, thành viên của HTX sẽ tăng thu nhập, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.


Nông dân có thu nhập ổn định từ mô hình Cánh đồng lớn trên cây lúa

"Việc xây dựng cánh đồng lớn đạt nhiều kết quả. Ngành tiếp tục nhân rộng và phát triển cánh đồng lớn, tiến tới hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu."

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng

Ông Trần Văn Sửa cho biết, khi tham gia CĐL, nông dân được lực lượng “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng để hạch toán chi phí sản xuất, giúp truy xuất được nguồn gốc, yếu tố then chốt để nâng cao giá trị thương hiệu gạo khi ra thị trường.

Cty Cổ phần Tân Đồng Tiến, phường Khánh Hậu, TP.Tân An cũng là một trong những doanh nghiệp xây dựng CĐL với nông dân. Theo Tổng Giám đốc Cty - Nguyễn Thành Mười, vụ Đông Xuân 2014-2015, Cty đầu tư xây dựng 2.969ha, theo hình thức Cty đầu tư giống, phân, thuốc, một phần chi phí và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Năm 2016, 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu, Cty đầu tư 3.500ha, thu mua 16.950 tấn lúa. Kế hoạch năm 2017, Cty dự kiến đầu tư 5.000ha bao gồm nhiều giống khác nhau với nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Qua việc đầu tư xây dựng CĐL giúp chất lượng lúa của nông dân được nâng lên. Đến vụ thu hoạch, Cty thu mua lúa của người dân tham gia CĐL với giá cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg, người sản xuất yên tâm có đầu ra ổn định.

Ông Lê Văn Hoàng cho biết, thời gian qua, việc xây dựng CĐL đạt nhiều kết quả. Ngành tiếp tục nhân rộng và phát triển CĐL, tiến tới hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trong đó, có khoảng 20.000ha diện tích sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa cao sản xuất khẩu 40.000ha ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Ngoài cây lúa, tỉnh còn chủ động nhân rộng mô hình CĐL trên cây chanh, thanh long./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết