Tiếng Việt | English

21/10/2019 - 15:40

Long An: Chỉ khoảng 5% thanh long xuất khẩu sang châu Âu

Hiện nay, do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên giá thanh long không ổn định, ảnh hưởng lớn đến việc ứng dụng công nghệ cao, chưa thu hút được người dân tham gia các mô hình kinh tế hợp tác. Nhiều cử tri là nông dân trồng thanh long đề nghị UBND tỉnh Long An cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường đầu ra mới cho trái thanh long.

Nông dân đề nghị UBND tỉnh Long An cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường đầu ra mới cho trái thanh long

Diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh vào khoảng 10.595ha, năng suất khoảng 31 tấn/ha, sản lượng 253.269 tấn. Diện tích trồng thanh long được tập trung tại huyện Châu Thành và các huyện lân cận (Tân Trụ, Thủ Thừa, TP.Tân An,...). Ngoài ra, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng có trồng thanh long.

Toàn tỉnh có khoảng 154 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), doanh nghiệp, cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến tiêu thụ thanh long.

Thị trường tiêu thụ của thanh long chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% sản lượng, 15% tiêu thụ ở thị trường nội địa và chỉ có 5% xuất khẩu vào Châu Âu theo đường chính ngạch.

Anh Nguyễn Văn Út - trồng thanh long ở xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Thời điểm này, giá thanh long xuống thấp, nông dân rất lo lắng, nhất là những người mới trồng như tôi vì đầu tư nhiều vốn, công sức vào cây thanh long”.

Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 16/6/2016 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An ban hành Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, mục tiêu chung của đề án là phát triển diện tích vùng trồng lúa, rau, thanh long ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, trong đó, vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao 2.000ha của tỉnh Long An tập trung tại huyện Châu Thành. Đến nay, thực tế đã triển khai thực hiện 2.078ha/2.000ha, đạt 104% theo kế hoạch ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ 24 HTX, THT tham gia vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao đạt chứng nhận VietGAP, với diện tích 595ha, có trên 909 hộ dân tham gia.

Nông dân ứng dụng công nghệ cao trong trồng thanh long

Trong thời gian qua, các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, HTX xúc tiến xuất khẩu, kết nối tiêu thụ, đặc biệt là xúc tiến tiêu thụ trái thanh long tại các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước thông qua đầu mối là Hiệp hội Thanh long Long An: Tham gia hội chợ thương mại tại Trung Quốc, Campuchia; kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp phân phối hàng hóa tại thị trường EU, tập đoàn Aeon Malaysia, kết nối tiêu thụ với Cty Nafood; kết nối tiêu thụ vào hệ thống siêu thị của TP.HCM và tại các tỉnh, thành phố như Big C, Central Group, Aeon, siêu thị Thiên Đường, siêu thị Tứ Sơn, chuỗi cửa hàng San Hà, Bách Hóa Xanh, chợ đầu mối Dầu Giây tỉnh Đồng Nai,… giới thiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX ứng dụng hệ thống thương mại điện tử.

Để trái thanh long tỉnh Long An được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cơ quan chức năng của tỉnh Long An cũng thực hiện đăng ký và được cấp mã số vùng trồng cho 54 xã của 4 huyện (Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa) và TP.Tân An, trong đó, huyện Châu Thành có 13 xã, thị trấn; mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu thanh long cho hơn 80 doanh nghiệp, HTX,...

Thanh long rớt giá khiến nông dân lo lắng

Theo UBND tỉnh, để tìm đầu ra cho nông sản nói chung và trái thanh long nói riêng, bên cạnh sự nỗ lực kết nối tìm thị trường của các cơ quan quản lý thì đòi hỏi các doanh nghiệp, HTX, THT phải chủ động và đồng hành cùng các cơ quan quản lý vì doanh nghiệp, HTX, THT tham gia các đoàn xúc tiến thương mại còn ít. Nguyên nhân do nguồn và mức hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại còn thấp nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX ngại tham gia; một số doanh nghiệp, HTX chưa thật sự quan tâm tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu; chưa chủ động xúc tiến ký kết hợp đồng sau khi tổ chức kết nối (có biên bản ghi nhớ), thậm chí chậm cung cấp các tài liệu liên quan khi đối tác yêu cầu.

Thời gian tới, UBND tỉnh Long An tiếp tục phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm thanh long tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh lân cận; tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến từ nguyên liệu trái thanh long; hỗ trợ các HTX, THT, doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, trong đó ưu tiên quảng bá sản phẩm thanh long, đặc biệt là tham gia Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản tại tỉnh Lạng Sơn.

Đồng thời, tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao tỉnh Long An. Đặc biệt là tìm hướng ra mới cho sản phẩm trái thanh long, nhất là tìm cách vào thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ và Úc./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết