Vụ Đông Xuân 2017-2018, toàn tỉnh gieo sạ 224.917ha, đạt 96,5% so với kế hoạch (233.120ha), bằng 110% so cùng kỳ năm 2017; đã thu hoạch diện tích 1.613ha, năng suất khô ước đạt 49 tạ/ha, sản lượng 7.905 tấn.
Nông dân chăm sóc lúa Đông Xuân
Còn gieo sạ ngoài lịch thời vụ
Hiện nay, nông dân ở một số địa phương gieo sạ không tuân thủ lịch thời vụ, nguy cơ tiềm ẩn sâu, bệnh. Do đó, ngành nông nghiệp yêu cầu, phòng chuyên môn, các địa phương và nông dân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật để phòng, trừ sâu, bệnh, bảo đảm vụ ĐX đạt thắng lợi. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, thời gian qua, nhiều địa phương gieo sạ ngoài lịch thời vụ và trễ khoảng 10.500ha nên dễ ảnh hưởng đến năng suất và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh do ảnh hưởng bởi hạn, mặn, sâu, bệnh.
Tại huyện Tân Hưng, đến nay, diện tích gieo sạ khoảng 38.000ha, trong đó, diện tích gieo sạ trong lịch 32.800ha, ngoài lịch khoảng 4.700ha. Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài cho biết: “Hiện lúa ĐX trên địa bàn huyện xuất hiện rầy nâu, diện tích nhiễm bệnh 1.013ha (mật độ nhẹ), đạo ôn lá 680ha (mật độ nhẹ), bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá 220ha, trong đó có 20ha bị nhiễm 30% nên có khả năng, năng suất giảm, còn 200ha nhiễm 1-3%. Ngoài ra, một số diện tích lúa ĐX bị chuột, ốc bươu vàng cắn phá,... nhưng mật độ ảnh hưởng nhẹ. Nhìn chung, tình hình sản xuất ĐX 2017-2018, lúa phát triển khá tốt, các đối tượng dịch hại có xuất hiện nhưng mức độ không đáng kể, khả năng vụ lúa ĐX sẽ đạt năng suất cao”.
Theo ông Phạm Văn Công, ngụ xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, hiện nay, diện tích lúa ĐX trên địa xã và các địa phương lân cận xuất hiện nhiều sâu, bệnh gây hại, nhất là bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Nông dân được chính quyền địa phương khuyến cáo chủ động phòng bệnh, thường xuyên thăm đồng đối với những diện tích gieo sạ không trong lịch thời vụ nhằm hạn chế thiệt hại về năng suất.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh thông tin: “Tính đến nay, huyện gieo sạ hơn 27.700ha, đạt 97,2%; còn lại khoảng 700ha ở xã: Vĩnh Trị, Vĩnh Thuận và Tuyên Bình Tây. Hiện trà lúa trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng và trổ. Một số loại sâu, bệnh gây hại trên lúa xuất hiện: Ốc bươu vàng (150ha, mật độ 1-3 con/m2), bệnh đạo ôn lá (410ha, chiếm 5-10%), sâu cuốn lá nhỏ (50ha, mật độ 5-7 con/m2), rầy nâu (300ha, mật độ 750-1.500 con/m2). Trước tình hình trên, cán bộ ngành nông nghiệp huyện thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình hình xuống giống và diễn biến dịch bệnh trên cây trồng để hướng dẫn nông dân phòng, trị kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, huyện lắp đặt thêm các bẫy đèn tại 3 điểm thuộc tuyến biên giới nhằm tăng cường giám sát dịch bệnh”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng cho biết: “Tình hình sản xuất lúa ĐX trên địa bàn huyện tương đối tốt, cơ bản gieo sạ xong, chỉ còn vài trăm hécta là đạt kế hoạch đề ra. Nhằm hạn chế sâu, bệnh gây hại trên lúa, huyện chỉ đạo các xã tuyên truyền nông dân không nên mất cảnh giác vì hiện nay, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện. Nông dân cần tập trung phòng, trừ sâu, bệnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán để sản xuất đạt hiệu quả”.
Nông dân thường xuyên thăm đồng
Diện tích lúa nhiễm sâu, bệnh tăng
Hiện nay, diện tích lúa nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh tăng so với tuần trước. Theo dự báo của ngành nông nghiệp: Có 1.766ha lúa bị rầy nâu, tăng 1.041ha so với tuần trước, mật độ phổ biến 750-1.500 con/m2, xảy ra tại các huyện: Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Hưng và Vĩnh Hưng, tập trung chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ (đa số rầy 1-2 tuổi); 3.591ha lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở các huyện: Thủ Thừa, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường nhiễm bệnh đạo ôn lá, tăng 1.595ha so với tuần trước. Ngoài ra, còn xuất hiện ốc bươu vàng cắn phá (909ha), bệnh cháy bìa lá (325ha), bệnh lem lép hạt (240ha), sâu cuốn lá (150ha), sâu phao (90ha), chuột (68ha), bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (22ha) gây hại ở mức nhẹ.
Dự báo trong tuần tới, do ảnh hưởng của không khí lạnh, sáng sớm có sương mù, lúa ĐX 2017-2018, giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ tiếp tục xuất hiện các dịch bệnh: Rầy nâu; sâu cuốn lá; đạo ôn lá, cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt;... Tình trạng ốc bươu vàng cắn phá sẽ giảm do nông dân phòng, trừ hiệu quả, chỉ còn xuất hiện trên lúa mới sạ - mạ ở các huyện: Thủ Thừa, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An; trong đó, ở những vùng trũng, thấp hoặc vùng bị ngập do triều cường, khả năng ốc bươu vàng tập trung mật độ cao.
Nông dân cần chủ động phòng trừ sâu, bệnh trên lúa Đông Xuân
Để sản xuất hiệu quả
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Để sản xuất đạt hiệu quả, góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch, các địa phương cần tiếp tục tập trung chăm sóc, thu hoạch lúa mùa 2018, lúa ĐX; theo dõi tình hình gây hại của sâu, bệnh trên cây lúa và có biện pháp phòng trừ kịp thời; tập trung hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây lúa ngay từ đầu vụ và quản lý tốt rầy nâu, chuột, sâu cuốn lá, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá, sâu phao, sâu năn, sâu cuốn lá, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng, ốc bươu vàng, bọ trĩ, chuột trên lúa mới gieo sạ - mạ nhằm tránh lây lan diện rộng.
Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến khí tượng - thủy văn, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao ngăn lũ, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch và có kế hoạch gia cố, duy tu, sửa chữa kịp thời các khu vực xung yếu để bảo vệ dân sinh và sản xuất. Tăng cường thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất về chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... để không gây ảnh hưởng đến sản xuất”./.
Huỳnh Phong