Tấm lòng người dưng
Cách đây 12 năm, sau nhiều lần gặp ông Thuận sống lang thang, không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân lại bị bệnh nên gia đình bà Châu Thị Lan, ngụ phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An đưa ông về sống ở túp lều lá trên 10m2 tại mảnh đất của mẹ bà thuộc khu phố Giồng Dinh, phường Khánh Hậu để có nơi tránh nắng, tránh mưa.
Túp lều lá ở khu phố Giồng Dinh, phường Khánh Hậu, TP.Tân An - nơi ông Thuận sống 12 năm qua, hiện xuống cấp
Mặc dù không họ hàng thân thích nhưng vợ chồng bà thường xuyên đến thăm hỏi ông Thuận. “Mỗi lần đến thăm, tôi mua cho ông ít gạo, rau, củ, đồ gia vị nấu ăn hay bộ quần áo mới. Cho quà thì ông nhận nhưng cho tiền thì ông nhất quyết từ chối” - bà Lan kể.
Hàng ngày, ông Thuận đi làm thuê với việc mời khách ở một quán ăn trên Quốc lộ 1, nhưng vì tuổi cao nên những năm gần đây, ông chuyển sang bán vé số mưu sinh. Kể từ khi được cho ở nhờ, ông Thuận cũng coi gia đình bà Lan như người thân, hàng tuần, ông vẫn đến nhà bà chơi.
Bà Lan kể: “Nhiều lần đến chơi, ông cũng lo lắng cho bản thân mình, ông sợ sau này chết đi sẽ làm phiền gia đình tui. Vừa rồi, ông ghé nhà và đưa tui 1 triệu đồng, ông nói, đây là tiền dành dụm từ việc bán vé số và nhờ tui mua cho cái hòm để đề phòng khi chết. Tôi nhất quyết không nhận và nói ông khỏi lo, nếu chuyện đó xảy ra thì gia đình sẽ lo”.
Những ngày cuối tháng 6/2016, ông Thuận bị bệnh nặng phải vào Bệnh viện Đa khoa Long An điều trị hơn 1 tuần, các bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh tim. Những ngày ông Thuận nằm viện, bà Lan vẫn đạp chiếc xe đạp cũ mang cơm, cháo đến cho ông. Hình ảnh một cụ bà mỗi ngày 2-3 bận đi vào bệnh viện mang cơm, cháo cho người dưng - ông Thuận - làm nhiều người ở phòng 610 của bệnh viện cảm động.
Ông Thuận nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long An
“Em trai tôi tính sẽ xây cho ông cái phòng nhỏ thay thế túp lều xuống cấp để ông ở kín đáo hơn. Thế nhưng, điều chúng tôi lo lắng là sức khỏe của ông ngày càng yếu, nếu để ông về ở một mình tại túp lều dột nát và tự lo cho bản thân thì không yên tâm, nhất là đêm tối hay lúc trái gió, trở trời. Trong khi đó, vợ chồng tôi đã già (trên 70 tuổi), nếu đưa ông ấy về ở cùng nhà thì cũng không thể lo được” - bà Lan nói.
Giúp ông vào trung tâm bảo trợ xã hội
Sau khi bàn tính và hỏi ý kiến của ông Thuận, đầu tháng 7/2016, khi ông Thuận xuất viện, gia đình bà Lan không để ông về lại túp lều ở Khánh Hậu nữa mà đưa ông về ở tạm tại nhà. Gia đình bà Lan cũng đề nghị ông không đi bán vé số nữa vì sức khỏe không bảo đảm.
Ngay sau đó, chồng bà Lan làm đơn gửi đến UBND phường Khánh Hậu thông tin về trường hợp ông Thuận. Đồng thời, đề nghị phường làm hồ sơ kiến nghị đến ngành Lao động-Thương binh và Xã hội giúp đỡ ông Thuận được vào ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để được chăm sóc những năm tháng cuối đời.
Trao đổi với phóng viên, ông Thuận nhất trí với ý kiến của gia đình bà Lan. Ngoài ra, ông cũng mong muốn cuối đời sẽ được ngành chức năng giúp đỡ để ông có giấy tờ tùy thân, làm công dân như bao người khác bởi giấy tờ tùy thân của ông bị mất mấy chục năm trước; vợ, con chết từ lâu, người thân cũng không còn ai.
Những ngày đầu tháng 7/2016, phóng viên nhiều lần hẹn với Chủ tịch UBND phường Khánh Hậu - Hoàng Minh Tâm để tìm hiểu về phía phường có giải pháp gì giúp ông Thuận. Thế nhưng, hết lần này đến lần khác, ông Tâm đều thất hứa.
Trao đổi về trường hợp của ông Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh - Lê Văn An cho biết: “Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều trường hợp có hoàn ảnh tương tự như ông Thuận. Thế nhưng, để giúp ông Thuận vào ở Trung tâm Bảo trợ xã hội thì phường Khánh Hậu cần làm hồ sơ xác nhận và kiến nghị gửi về Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP.Tân An; sau đó, phòng chuyển hồ sơ kiến nghị này về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để xét duyệt. Nếu sở ra quyết định đồng ý thì trung tâm sẽ có trách nhiệm tiếp nhận ông Thuận”./.
Lê Đức