Tiếng Việt | English

18/09/2015 - 09:28

Ngôi nhà của những mảnh đời không trọn vẹn

Tọa lạc tại xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An có một “ngôi nhà chung” của những trẻ em mồ côi, người già neo đơn, không nơi nương tựa. Đây cũng là địa chỉ cưu mang những người mất nhận thức, khi khóc, lúc cười và những mảnh đời không trọn vẹn. "Ngôi nhà chung" ấy chính là Trung tâm Bảo trợ Xã hội (TTBTXH) tỉnh, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.


Những trẻ em mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi cũng có được một “gia đình” đầy ắp tiếng cười

Trung tâm (TT) đang quản lý và nuôi dưỡng 346 đối tượng, trong đó có 32 người già neo đơn, 9 người tàn tật, 299 người bị tâm thần và 6 trẻ mồ côi.

Tại đây, mọi người đều được chăm sóc chu đáo từ việc ăn uống đến vệ sinh hằng ngày. Với những cụ già yếu không có khả năng tự phục vụ, nhân viên sẽ tắm giặt và dọn dẹp vệ sinh mỗi ngày.

Món ăn, cách chế biến cũng thay đổi và phù hợp với độ tuổi, bệnh lý của từng người. Đặc biệt, bộ phận cấp dưỡng còn nấu ăn riêng cho các cụ bị cao huyết áp, tiểu đường.

TT kết hợp chặt chẽ với các bác sĩ để theo dõi sức khỏe các đối tượng, thực hiện đúng phác đồ điều trị, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người già, người tàn tật, tâm thần.

TT thường xuyên tổ chức họp đánh giá tình hình sinh hoạt, tạo điều kiện cho các cụ già, các cháu mồ côi bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình, làm cầu nối để mọi người yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Đối với trẻ mồ côi, khi còn nhỏ, các cháu sẽ được học văn hóa, học nghề để có thể tự nuôi sống bản thân, vượt qua nghịch cảnh.

Khi có người đến nhận nuôi các cháu nhỏ, TT phối hợp chính quyền địa phương thực hiện đủ thủ tục cần thiết để bảo đảm quyền lợi của trẻ. Đặc biệt, TT còn tìm hiểu kỹ về điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình người nhận nuôi, lý lịch bản thân của họ. Với những trẻ đã được nhận nuôi, TT thường xuyên liên lạc kiểm tra hoặc đến trực tiếp thăm trẻ, liên hệ chính quyền địa phương để chắc chắn rằng trẻ được nuôi dạy trong môi trường tốt nhất.

Theo Giám đốc TTBTXH tỉnh - Huỳnh Ngọc Dũng, ngoài chăm sóc sức khỏe, vật chất, TT còn tổ chức cho các cháu nhỏ, các cụ già đi du lịch xa hoặc giao lưu tại TTBTXH các tỉnh bạn để thư giãn, có thêm động lực, niềm vui trong cuộc sống. TT duy trì công tác hướng dẫn nghề đan giỏ để các đối tượng có điều kiện vận động, lao động sản xuất, góp phần ổn định bệnh lý,... Một điều vô cùng quan trọng là các đối tượng tại TT đều là những người có hoàn cảnh kém may mắn. Do đó, ban lãnh đạo TT cũng như các cán bộ, viên chức đều thân thiện, gần gũi, xem họ như chính người thân của mình để tránh làm họ buồn phiền, tủi thân.

Thật vậy, đến với TT một lần, chúng ta sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi trong đầu, làm sao để một nhân viên chăm sóc có thể chu toàn được công việc cho quá nhiều đối tượng như vậy? Chăm sóc một người bệnh đã khó, đằng này, ngôi nhà chung có quá nhiều cụ già, người tàn tật hay những đối tượng tâm thần không thể tự chăm sóc bản thân.


Người già neo đơn, người tàn tật luôn được chăm sóc chu đáo tại TTBTXH tỉnh

Chị Nguyễn Thị Hồng Yến - nhân viên chăm sóc tại TTBTXH tỉnh cho biết: “Tôi làm việc tại đây đã 7 năm. Làm nghề này, mình phải xem các cụ như người thân, ông bà, cha mẹ thì mới gắn bó được. Đối với những cụ già yếu, mình phải chăm lo từ vệ sinh, ăn uống, tắm giặt; khi có cụ nằm viện thì phải theo túc trực; có cụ dễ chịu nhưng cũng có cụ khó tính, nóng nảy, nếu không có tâm, không kiên trì, chịu khó thì khó lòng mà “trụ” được với nghề”.

Có lẽ, cực nhất đối với các nhân viên của TT là chăm sóc cho các đối tượng tâm thần. Họ là những người mất nhận thức nên đôi khi việc chăm sóc còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của các nhân viên nếu chẳng may họ lên cơn đột xuất.
Phó Trưởng Phòng Y tế chăm sóc sức khỏe TTBTXH tỉnh - Bạch Văn Kiều, người từng bị một đối tượng tâm thần tấn công chia sẻ: “Chúng tôi thường nhắc nhở nhau phải luôn cảnh giác, bởi tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, ngoài việc tận tình, hết lòng thì người cán bộ phải có lòng dũng cảm, quyết tâm mới có thể vượt qua những khó khăn, thử thách”.

Bà Nguyễn Thị Lũy (SN 1953), đã sống tại ngôi nhà chung được 17 năm cho biết: “Tôi không chồng con, nhà cửa, lại bị tật nguyền nên cũng chẳng lo được cho bản thân. Đôi khi, thấy người ta có gia đình, con cháu quây quần, tôi và các cô bác ở đây cũng chạnh lòng, tủi thân lắm! Thế nhưng, nhờ những lời động viên, chia sẻ, những cử chỉ ân cần, yêu thương mà tôi không còn cảm thấy cô đơn. Chính tình thương, tấm lòng của ban lãnh đạo, các nhân viên chăm sóc, sự sẻ chia của những người đồng cảnh ngộ mà tôi thấy yêu đời hơn rất nhiều dù bản thân mình quá nhiều bất hạnh”.

Mỗi người sinh sống tại đây là một hoàn cảnh khác nhau. Thế nhưng, tựu trung lại họ đều rất đáng thương, rất cần tấm lòng bao dung, nhân ái, cần đôi bàn tay nâng đỡ, sẻ chia trong cuộc đời. Khi về cùng một mái nhà, họ đã tìm được những “người thân” của mình, dù là tình thương chắp vá vì chẳng phải họ hàng, ruột thịt. Nhìn họ, ta chợt ngẫm lại và thấy mình vẫn quá nhiều hạnh phúc, để rồi càng trân trọng hơn cuộc sống hiện tại mà mình đang có./.

Phạm Ngân

 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích