Tiếng Việt | English

04/04/2016 - 10:16

Long An:Hết lo giá mía đến lo hạn, mặn 

Niên vụ 2015-2016, diện tích trồng mía toàn tỉnh ước đạt 10.829ha, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa và Thủ Thừa. Đến nay, thu hoạch 8.993ha, năng suất ước đạt 724 tạ/ha, sản lượng 651.068 tấn. Giá mía năm nay tương đối ổn định, bán tại ruộng từ 550.000-600.000 đồng/tấn. Với giá này, nông dân trồng mía có lãi hơn so với những năm trước. Chưa kịp mừng vì giá mía ổn định, nông dân lại lo cho vụ tới khi tình hình hạn, xâm nhập mặn còn kéo dài.

Giá mía ổn định bù đắp phần nào nỗi gian nan, vất vả của người trồng mía

Giá mía ổn định

Mía là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Những năm gần đây, giá mía liên tục giảm làm cho diện tích mía giảm còn khoảng 10.829ha (giảm hơn 1.400ha so với cùng kỳ). Niên vụ mía năm nay, người dân vui mừng vì giá mía tăng hơn những năm trước khoảng 200.000 đồng/tấn.

“Năm nay, giá mía được 600.000 đồng/tấn nên ai cũng mừng, coi như vụ này có lãi” - bà Nguyễn Thị Lùn, ở thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa cho biết. Theo bà Lùn, vụ này, gia đình bà chỉ trồng 5 công mía thay vì 1ha như những năm trước, nên tiền lãi cũng chẳng nhiều. Còn ông Trần Văn Thành, ngụ cùng địa phương, không khỏi tiếc nuối bởi liên tiếp 2 năm 2013, 2014, giá mía nguyên liệu giảm sâu, chỉ ở mức 450.000 đồng/tấn khiến nhiều nông dân thua lỗ, phải chuyển sang cây trồng khác.

Thời điểm hiện nay, người trồng mía trong tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch với tâm trạng phấn chấn xen lẫn nuối tiếc vì giá mía tương đối ổn định. Ông Nguyễn Văn Thu, ngụ xã Lương Hòa, huyện Bến Lức cho biết: “Gia đình trồng mía được khoảng 20 năm, lúc trước, trồng 10ha nhưng nay giảm xuống còn 8ha. Một hecta mía thu về được khoảng 75-80 tấn, sau khi trừ tất cả chi phí, mía gốc, nông dân lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.

Chủ tịch UBND xã Lương Hòa - Ngô Tấn Thời cho biết: Giai đoạn 1996-2000 là thời điểm cây mía phát triển cực thịnh với diện tích khoảng 2.200ha, trong khi đất nông nghiệp toàn xã chỉ khoảng 2.400ha. Hiện nay, diện tích mía ở xã giảm còn 1.500ha do thị trường bấp bênh, tốn nhiều công sức, chi phí cao, thuê nhân công khó khăn.

Nỗi lo hạn, mặn

Bước vào vụ sản xuất mía 2015-2016, nhiều nông dân vui mừng vì giá ổn định nhưng lại lo lắng cho niên vụ tới trước tình hình xâm nhập mặn.

Ông Trần Thanh Phong, xã Lương Bình, huyện Bến Lức cho biết: “Diện tính mía của gia đình tôi vừa mới thu hoạch xong, nhưng tôi rất lo tình hình hạn, mặn ảnh hưởng đến sản xuất. Theo dự báo, nước mặn còn tiếp tục ảnh hưởng với nồng độ cao trong thời gian tới vì đang vào cao điểm mùa khô”.

Đang vô đất cho 4 công mía của gia đình, ông Lê Văn Bảy, ngụ xã Lương Bình cho biết: “Đợt này, nước mặn lấn sâu làm nhiều diện tích lúa, cây trồng khác bị ảnh hưởng. Riêng cây mía thì chưa bị ảnh hưởng nặng. Tuy nhiên thời gian tới, nếu hạn, mặn kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người trồng mía”.

Không riêng gì người dân trên địa bàn huyện Bến Lức, người dân trồng mía tại các địa phương khác như: Đức Huệ, Thủ Thừa cũng đang rất lo lắng về ảnh hưởng xâm nhập mặn kéo dài.

Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Nguyễn Hữu Lợi, năm nay, Thủ Thừa trồng 1.441ha mía (kế hoạch 1.500ha), tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Thành, Nhị Thành và thị trấn Thủ Thừa. Đến nay, nông dân thu hoạch 1.150ha. Mặc dù mía là cây chịu hạn tốt nhưng nông dân không khỏi lo lắng trước sự khắc nghiệt của thời tiết. Trước tình hình trên, phòng nông nghiệp phối hợp các ngành chức năng thường xuyên đo độ mặn để kịp thời thông tin cho nông dân lấy nước. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn còn hướng dẫn nông dân cách chăm sóc mía, tăng cường bón vôi, lân, phân bón lá, phân kali nhằm giảm tác hại của hạn, mặn trong thời gian tới để mía phát triển”./.

Lê Huỳnh-Thanh Mỹ 

Chia sẻ bài viết