Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Giá mía giảm, nông dân không muốn đầu tư

Giá mía giảm, nông dân không muốn đầu tư

Cho đến nay, mặc dù đã có Quyết định 80/2002/QĐ-Ttg của Chính phủ về việc liên kết “4 nhà” để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đặc biệt là giúp nông dân tháo gỡ khó khăn khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc giá cả bấp bênh, nhưng việc liên kết này vẫn còn lỏng lẻo. Minh chứng cho điều này là việc liên kết giữa nhà máy chế biến đường với người trồng mía trong thời gian qua. điệp khúc - năm trước mía có giá thì năm sau người dân trồng nhiều; trồng nhiều, mía rớt giá người dân lại phá mía trồng cây khác; khi thiếu mía nguyên liệu thì các nhà máy tranh nhau mua, khi dư mía thì bỏ mặc nông dân với những rẫy mía chết khô trên đồng;..

 

Nông dân lao đao với giá mía

 

Vụ mía năm 2014-2015, toàn tỉnh Long An trồng 12.290ha mía (kế hoạch là 12.680ha), tập trung ở các huyện Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa và Thủ Thừa.

Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch 4.150ha, năng suất ước 684 tạ/ha, sản lượng ước 283.990 tấn. Năng suất mía niên vụ này thấp do niên vụ 2013-2014, trồng mía mang lại hiệu quả không cao, bên cạnh đó, hiện nay Công ty NIVL còn nợ tiền mía niên vụ trước của nông dân là 10,3 tỉ đồng (tính đến ngày 29-12-2014) nên nông dân ít quan tâm đầu tư chăm sóc mía. Giá mía hiện nay chỉ ở mức 350.000-450.000 đồng/tấn, nông dân chủ yếu bán cho thương lái.

Chủ tịch UBND xã Lương Hòa, huyện Bến Lức – Nguyễn Lê Thúy Oanh cho biết: “Diện tích mía niên vụ 2013-2014 trên địa bàn xã là 1.780ha, năng suất bình quân đạt 80 tấn/ha, sản lượng 142.400 tấn. Niên vụ 2014-2015, diện tích mía giảm còn khoảng 1.650ha, năng suất giảm do tình hình sản xuất mía thua lỗ và đầu ra khó khăn nên người dân hạn chế đầu tư. Hiện nay, các nhà máy đường trên địa bàn thu mua trễ khoảng 1,5 tháng so với cùng kỳ. Vụ mía năm nay, nông dân ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ 1.385ha, trong đó Cty Cổ phần Mía đường Hiệp Hòa 285ha, Cty Đường Bến Tre 120ha, Công ty NIVL 980ha. Với giá mía tại ruộng 350.000-450.000 Giá mía giảm, nông dân không muốnđồng/tấn, người trồng mía không có lời. Hiện trên địa bàn xã, các thương lái đại diện người dân ký hợp đồng với các Cty, trung bình một hợp đồng khoảng 10 - 20ha. Bởi, phần lớn nông dân chỉ bán cho thương lái”.

Theo ông Bùi Văn Phích, ngụ ấp 6B, xã Lương Hòa, hiện nay, giá mía khoảng 450 ngàn đồng/tấn, tương đối ổn định hơn so với những tháng trước (khoảng 350 - 380 ngàn đồng/tấn). Phần lớn người dân thu hoạch mía ở giai đoạn 12 đến 13 tháng chứ không ở giai đoạn 10 đến 11 tháng như các năm trước do các nhà máy đường chậm hoạt động. Năm nay, ông trồng khoảng 10ha mía, thu hoạch được 4ha, nhưng với giá này thì chỉ từ lỗ đến hòa vốn.

Hiện tại, nông dân đa phần bán sô cho thương lái chứ không dám ký hợp đồng với Cty do năm rồi Cty NIVL còn nợ tiền mía người dân. Với giá mía này, nông dân cũng không muốn đầu tư nhiều. Không chỉ nông dân gặp khó khăn mà ngay cả các thương lái còn phải lao đao với tình hình mía hiện nay.

Các vụ mía gần đây, khi thương lái chi phối nguồn nguyên liệu của các nhà máy thì các chính sách về giá cả của nhà máy thường không đến được với nông dân. Bởi vậy, các thương lái mua sô cả ruộng mía, chở đến cân cho nhà máy hưởng tiền chênh lệch theo chữ đường.

Anh Trần Thanh Phương, ngụ ấp 6, xã Lương Hòa nói: “Tôi làm lái mía đến nay cũng trên 10 năm. Hiện nay, mía đang giai đoạn thu hoạch rộ, với giá này thì nông dân trồng mía và cả thương lái không có lời. Niên vụ mía năm nay, tôi đại diện cho nông dân ký hợp đồng với Cty NIVL, mỗi hợp đồng 10ha với 700 tấn mía. Ngoài ra, tôi còn thu mua mía của người dân bán cho các Cty ở Bến Tre, Tây Ninh để hưởng tiền hoa hồng chứ lãi cũng chẳng là bao”.

Bên cạnh đó, các nhà máy mua mía như đi chợ, nếu có hợp đồng thì cũng không có ràng buộc chặt chẽ. Khi cần, nông dân trồng mía không biết bán cho ai; khi thiếu nguyên liệu thì tranh mua tranh bán vẫn thường diễn ra. Vì vậy, để người trồng mía ổn định được đầu ra, trước hết các nhà máy cần phải liên kết thông qua việc phân định rạch ròi vùng nguyên liệu và đầu tư phát triển vùng mía riêng cho mình để chấm dứt tình trạng thu mua mía như “đi chợ”, tranh mua tranh bán như các vụ vừa qua.

Thời gian tới, ngành chức năng cần có chính sách điều hành, để lợi ích giữa các nhà máy, giữa nhà máy với người dân được hài hòa; đồng thời, người dân phải nâng cao ý thức trong cơ chế kinh tế thị trường, thì niên vụ mía đường mới sẽ giúp người trồng mía có lợi nhuận cao, không còn lo trước viễn cảnh bấp bênh về giá và các nhà máy đường trong khu vực hoạt động có hiệu quả, ổn định hơn.

HẢI PHONG

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
giá míanông dân