Tiếng Việt | English

02/10/2019 - 17:36

Long An: Hơn 36% số hộ dân được sử dụng nước sạch

Theo số liệu qua công tác giám sát của HĐND tỉnh Long An, đến cuối năm 2018, hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 97,69%, nước sạch đạt 36,44%.

Giếng nước ấp 5, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa được nâng cấp từ nguồn vốn xã hội hóa do Sư cô Thích nữ Từ Bi - Tịnh Thất Hương Nghiêm (TP.HCM) hỗ trợ, đủ sức cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong ấp

Việc phân bổ vốn thực hiện các công trình cấp nước nông thôn được UBND tỉnh Long An quan tâm, bố trí vốn đầu tư. Trước năm 2016, tỉnh Long An bố trí vốn khoảng 12 tỉ/năm; từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh bố trí khoảng hơn 60 tỉ đồng/năm từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn xổ số kiến thiết để đầu tư cho các công trình cấp nước nông thôn.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn bố trí thêm vốn sự nghiệp của Chương trình nông thôn mới để thực hiện việc duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành công trình. Bên cạnh đó, tỉnh Long An có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong và ngoài nước cùng các tổ chức từ thiện để đẩy mạnh việc cung cấp nước hợp vệ sinh, nước sạch cho người dân sử dụng.

Công tác phân vùng cấp nước được UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng nghiên cứu, lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh công tác xã hội hóa cấp nước nông thôn. Qua đó, việc thống kê, rà soát lại các giếng nước, trạm cấp nước được thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng quản lý và vận hành các mô hình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Long An hiện có 4 mô hình quản lý cấp nước nông thôn: Đơn vị sự nghiệp công lập (7 trạm cấp nước), doanh nghiệp (554 trạm cấp nước), UBND cấp xã quản lý (577 trạm cấp nước), cộng đồng quản lý (416 trạm cấp nước).

Được biết, nhu cầu đầu tư cung cấp nước hợp vệ sinh, nước sạch trên địa bàn toàn tỉnh ước khoảng 100 tỉ đồng/năm. Riêng năm 2019, tỉnh triển khai 12 công trình cấp nước, đến nay mới giải ngân được 14 tỉ đồng/62 tỉ đồng kế hoạch năm, mới đạt 22,6%.

Được sử dụng nước hợp vệ sinh vẫn là mong ước của người dân một số ấp tại các xã vùng Hạ (Trong ảnh: Hộ dân xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc vẫn phải hứng từng can nước về sử dụng vào mùa khô)

Tuy nhiên, theo đánh giá HĐND tỉnh Long An, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch còn thấp, nhiều nơi người dân chưa có nước sạch để sử dụng, phải dùng nước từ nguồn nước mặt của các con sông, kênh để lắng lọc, không bảo đảm vệ sinh, ảnh hưởng không nhỏ chất lượng cuộc sống của người dân.

Đặc biệt, chất lượng nguồn nước của một số giếng khoan tư nhân không bảo đảm, giá nước cao, tiến độ triển khai một số công trình cấp nước còn chậm. Mô hình quản lý và vận hành các công trình cấp nước của UBND một số xã còn nhiều bất cập, yếu kém, nhất là việc kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư cũng như việc tiếp nhận, quản lý các công trình cấp nước còn khó khăn. Công tác kiểm tra định kỳ của các cơ sở cung cấp nước và cơ quan chức năng thực hiện chưa bảo đảm theo quy định.

Ngoài ra, việc phân vùng cấp nước còn chậm, phạm vi cung cấp nước giữa các đơn vị chồng chéo nhau nên việc đầu tư còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc cấp nước và người dân sử dụng nước. Một số nơi việc quy định thu giá nước còn nhiều bất cập, dẫn đến thu giá cao gây bức xúc trong nhân dân.

Theo HĐND tỉnh, thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X, đến năm 2020, toàn tỉnh có 45% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch. Đến nay, một số công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và nhiều công trình được nâng cấp, mở rộng, sử dụng chất khử trùng theo quy định để đạt chất lượng nước sạch, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích