Tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong hoạt động nông - lâm - thủy sản
Để ngành chăn nuôi, trồng trọt tiếp tục phát triển đúng định hướng, từ đầu năm 2016 đến nay, các cơ quan chuyên môn tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông-lâm-thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Tuyên truyền, kiểm tra chặt chẽ
Năm 2016 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp.
UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra; đặc biệt là kiểm tra, giám sát việc sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại các nhà máy, doanh nghiệp và các cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở giết mổ, trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng chức năng tiêu hủy tang vật vi phạm (măng chua bị nhiễm vàng ô và các hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ)
Đồng thời, truy xuất nguồn gốc, xử lý tận gốc các lô hàng, sản phẩm không bảo đảm chất lượng VTNN và ATTP. Mục tiêu hướng tới là ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch về thu mẫu giám sát ATTP nông sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản tập trung tuyên truyền, phổ biến cho người sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản biết về các mức xử phạt hành chính hoặc có thể truy tố trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh ATTP trong sản xuất nông-lâm-thủy sản,...
Kiểm tra chặt chẽ các khâu từ vận chuyển, lưu giữ, kinh doanh,... đến người sử dụng để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi tàng trữ, lưu thông, buôn bán các chất cấm trong chăn nuôi như: Chất vàng ô, Salubtamol, Clenbuterol, Ractopamine,... các loại kháng sinh, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, chất xử lý môi trường, phân bón ngoài danh mục không được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Tại hộ chăn nuôi, Đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu nước tiểu của heo và test nhanh bằng dụng cụ chuyên dụng.
6 tháng đầu năm, đoàn thanh tra, kiểm tra 1.020 cơ sở, thu 102 mẫu. Kết quả, xử lý 87 trường hợp vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy sản và VTNN.
Về sản phẩm nông-lâm-thủy sản, đoàn thanh tra, kiểm tra 596 cơ sở, thu 35 mẫu và xử lý 48 trường hợp vi phạm.
Về sản xuất, kinh doanh VTNN: Kiểm tra 424 cơ sở, thu 67 mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm, xử lý 39 trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng qua, ngành hướng dẫn 93 cơ sở xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến GMP, SSOP,... Kết quả, có 93/93 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Vệ sinh thực phẩm được chú trọng tuyên truyền, kiểm tra, giám sát thường xuyên, hiệu quả để hoạt động kinh doanh, sản xuất, người tiêu dùng được an toàn
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản Long An - Nguyễn Văn Cường cho biết: “…6 tháng đầu năm 2016, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về chất lượng VTNN và ATTP nông-lâm-thủy sản cho người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, panô, các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm cho hơn 101.865 người. Qua tuyên truyền, người dân, chủ cơ sở tiếp cận được các chính sách, pháp luật của Nhà nước về chất lượng VTNN và ATTP nông-lâm-thủy sản. Từ đó, họ có ý thức tốt hơn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng có ý thức trong việc lựa chọn thực phẩm tiêu dùng hàng ngày”.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
Khi đề cập đến nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, ông Nguyễn Văn Cường cho biết, ngành tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản về sản xuất thực phẩm an toàn; hướng dẫn các cơ sở thực hành sản xuất tốt; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh ATTP tại điều 190, 191, 195, 317 của Bộ luật Hình sự 2015.
Thông qua công tác khuyến nông, khuyến ngư, tập huấn, hội thảo,... hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, trong đó tập trung hướng dẫn một số nội dung: Hướng dẫn các cơ sở sản xuất áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, đặc biệt không sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục; tuân thủ 4 đúng về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; không lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; bảo đảm thời gian cách ly, ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch.
Nâng cao ý thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông-lâm-thủy sản
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhỏ, lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định của Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT. Mở các lớp tập huấn kiến thức chuyên môn (trong kinh doanh, an toàn lao động trong vận chuyển, an toàn sử dụng hóa chất về thuốc bảo vệ thực vật), văn bản pháp luật mới về thuốc bảo vệ thực vật cho các cơ sở trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu. Hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy sản xây dựng, áp dụng và duy trì chương trình quản lý chất lượng tiên tiến GMP, SSOP,...
Song song đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho trên 500 nông dân về sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP; tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, chất bảo quản, tẩm ướp cấm sử dụng, ngoài danh mục trong sản phẩm nông-lâm-thủy sản./.
Lê Huỳnh