Tiếng Việt | English

13/08/2015 - 10:02

Long An: Người nuôi tôm đang gặp khó

Tính đến thời điểm này, diện tích tôm nuôi ở các huyện vùng hạ bị thiệt hại không thu hoạch đúng tiến độ 638,1ha (tôm sú 146,7ha; tôm thẻ chân trắng 491,4ha), chiếm 11,5% tổng diện tích thả nuôi.


Tôm nhiễm bệnh nông dân bán gỡ được đồng nào hay đồng đó

Nông dân chủ quan

Người nuôi tôm có tâm lý đón giá nên phần lớn cải tạo ao và thả nuôi tôm bằng nguồn nước giếng khoan hoặc trữ nước lại từ vụ nuôi trước. Người nuôi tôm chủ yếu thả nuôi nghịch vụ để bán được giá cao nên không thả nuôi đồng loạt và chất lượng con giống kém. Nguồn nước sông bên ngoài đang bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi làm môi trường nước trong ao nuôi luôn biến động dẫn đến xuất hiện một số bệnh trên tôm nuôi, nhất là bệnh đốm trắng xảy ra trên diện rộng ở các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ.

Ông Trần Trọng Nghĩa, ngụ ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ cho biết: “Phần lớn người nuôi có lợi nhuận vụ trước, đến vụ tiếp theo không cải tạo lại ao nuôi dẫn đến tình trạng ao đầm bị xuống cấp nghiêm trọng, gây thiệt hại cho vụ nuôi tiếp theo. Một số hộ nuôi bị lỗ nên không đầu tư, ao lắng không xử lý thuốc diệt khuẩn và bơm nước trực tiếp vào ao nên tôm dễ bệnh hơn. Hiện gia đình tôi có 0,4ha đất nuôi tôm thẻ chân trắng. Để hạn chế dịch bệnh, tôi kiểm tra mẫu nước 1 tuần/lần; mua con giống đã qua kiểm dịch, thả tôm theo lịch thời vụ như khuyến cáo”.

Trước tình hình tôm bị bệnh, người dân chỉ biết khắc phục bằng cách xả bỏ hoặc bán tháo, gỡ được đồng nào hay đồng đó, chứ không có cách nào trị bệnh đốm trắng trên tôm thẻ và tôm sú. Việc hạn chế dịch bệnh lây lan rất khó khăn vì người nuôi lỗ nên không còn tiền để xử lý nước ao trước khi xả ra môi trường.

Phó Chủ tịch UBND xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ - Võ Thành Vũ cho biết: “Hiện nay, toàn xã thả nuôi khoảng 173ha, giảm so với cùng kỳ khoảng 40-50ha. Nguyên nhân do giá giảm, tôm nhiễm bệnh đốm trắng, nhiều hộ dân nuôi không có lãi nên không tái thả nuôi. Thời tiết biến đổi bất thường, một số hộ nuôi không bảo đảm kỹ thuật trong khâu vệ sinh ao hồ, kết cấu hạ tầng vùng nuôi chưa phù hợp, người nuôi chưa chấp hành quy chế vùng nuôi, thả nuôi chưa đồng bộ nên dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Phần lớn người nuôi tôm tự phát và sử dụng hệ thống cấp thoát nước bừa bãi nên khi dịch bệnh xảy ra rất khó kiểm soát. Đồng thời, chất lượng con giống trong nhiều năm nay không được kiểm soát chặt chẽ, người nuôi chủ yếu lựa chọn những trại tôm giống có uy tín trên thị trường, chứ không thể biết nguồn giống tôm mua có sạch bệnh hay không. Chất lượng thuốc thú y, vật tư đầu vào vẫn còn kém”.

Thời tiết phức tạp

Thời tiết thay đổi bất thường, đầu năm trời nắng nóng và nay thì trời bắt đầu se lạnh nên ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm. Do đó, tôm dễ mẫn cảm với với sự xâm nhập của vi khuẩn, vi-rút, gây bệnh trên tôm. Thời gian qua, tỉnh đã cử đoàn kiểm tra lấy mẫu phân tích nguyên nhân và hỗ trợ tập huấn xử lý dập dịch; khuyến cáo ao tôm đã bị bệnh đốm trắng không nên dùng nguồn nước cũ để nuôi lại và phải thông báo cho mọi người xung quanh trước khi xả nước thải ra môi trường, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc không rõ nguồn gốc xử lý; nên có thời gian phơi ao kỹ nhằm tiêu diệt mầm bệnh và cải tạo lại ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An - Phạm Phú Hùng nhận định: “Từ đầu năm đến nay, tôm bị nhiễm bệnh hay bị thiệt hại phải thu hoạch sớm do thời tiết bất lợi diễn ra hầu hết các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ. Để hạn chế thiệt hại, ngành khuyến cáo người dân thả tôm theo đúng lịch thời vụ, không nên thả nghịch vụ”.


Người dân nuôi tôm cần tuân thủ đúng quy trình nuôi

Cần có quy trình nuôi nghiêm ngặt

Người nuôi tôm cần tuân thủ đúng quy trình nuôi: Từ khâu chọn giống, xử lý môi trường nuôi, phòng, chống dịch bệnh trên tôm đúng kỹ thuật. Theo khuyến cáo của kỹ sư thủy sản, người dân sau khi cải tạo ao nuôi, cấp nước và xử lý môi trường trước khi thả nuôi. Có 2 cách cấp nước người dân có thể áp dụng. Cách thứ nhất áp dụng đối với những hộ có ao lắng: Nước giếng bơm vào ao lắng, xử lý EDTA với liều lượng 2-3kg/1.000m3, để lắng trong 4-5 ngày rồi mới bơm vào ao nuôi chính (lúc này đã cấp sẵn nước sông) với tỷ lệ nước giếng: Nước sông 1:4 đến 1:3. Lượng nước cấp đạt khoảng 80% mức nước tối đa của ao (20% còn lại sẽ cấp thêm dần theo thời gian nuôi). Cách thứ hai là những hộ không có ao lắng: Ao sau khi cải tạo xong, cấp nước sông vào khoảng 60-70% so với mức nước tối đa. Cấp thêm nước giếng cho đủ 80% so với mức nước tối đa. Xử lý EDTA với liều lượng 1,5-2kg/1.000m3. Quạt nước hoặc sục khí nhẹ trong 2-3 ngày rồi tiến hành các bước tiếp theo,...

Ông Phạm Phú Hùng khuyến cáo: “Người dân nên thả tôm giống khi điều kiện thời tiết đã ôn hòa, sau khi mưa đầu mùa xuất hiện; chọn tôm sạch bệnh, có uy tín, nguồn gốc rõ ràng; thả mật độ vừa phải (50 con/m2). Người nuôi nên theo dõi mật độ khuẩn gây hại trong ao nuôi để diệt khuẩn kịp thời; theo dõi và sớm phát hiện tôm bệnh; thu hoạch đúng lúc để hạn chế thiệt hại.”./.

Tổng diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh 5.586,9ha (kế hoạch năm 2015 là 7.000ha), tập trung chủ yếu ở các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ. Trong đó: Tôm sú 1.322,4ha, tôm thẻ chân trắng 4.264,5ha. Diện tích thu hoạch 4.104,8ha, bằng 125,3% so cùng kỳ, năng suất bình quân ước 2,1 tấn/ha, sản lượng 8.440 tấn, bằng 137,3% so cùng kỳ. Giá tôm thương phẩm hiện tương đối ổn định nhưng giảm so với cùng kỳ từ 30.000-50.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng: Cỡ 60-70 con/kg giá từ 115.000-120.000 đồng/kg; cỡ 100-110 con/kg giá từ 85.000-90.000 đồng/kg. Tôm sú: Cỡ 40-50 con/kg giá từ 210.000-215.000 đồng/kg; cỡ 70-80 con/kg giá từ 170.000-180.000 đồng/kg.

Lê Huỳnh

 

 

Chia sẻ bài viết