Trong những năm qua, diện tích nuôi tôm nước lợ tại các huyện vùng hạ của tỉnh phát triển khá nhanh về diện tích và đối tượng nuôi, nhất là tôm thẻ chân trắng.
Tuy nhiên, nhìn chung việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm của người dân vẫn còn nhiều mặt hạn chế, mô hình nuôi còn nhỏ lẻ, nguồn nước trong vùng nuôi ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh luôn đe dọa ở mức độ cao.
Còn khá đông người nuôi chưa thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp, đa phần hộ nuôi chưa đầu tư xây dựng ao lắng, việc sử dụng thuốc thú y thủy sản còn thiếu kiểm soát nên chưa bảo đảm sản phẩm tôm đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhằm giúp người dân nuôi tôm nâng cao trình độ sản xuất, nắm vững biện pháp phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông Long An xây dựng 5 mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng quy trình VietGAP tại xã Phước Vĩnh Tây (3 điểm) và xã Phước Lại (2 điểm), huyện Cần Giuộc.
Yêu cầu cụ thể của mô hình là ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ thâm canh theo quy trình VietGAP. Trong đó, các chỉ tiêu chính cần thực hiện bao gồm: Mật độ thả nuôi 80 con/m2, hệ số thức ăn 1.3, cỡ tôm thu hoạch khoảng 30 con/kg, đạt năng suất tối thiểu 10 tấn/ha.
Thông qua xây dựng mô hình trình diễn, trung tâm tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan để giới thiệu mô hình rộng rãi đến các hộ nuôi tôm khác được biết và áp dụng. Điểm mới trong mô hình lần này là các mô hình áp dụng phải đạt tối thiểu 80% theo bộ tiêu chí VietGap và có ít nhất 1 hộ đạt đầy đủ tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận VietGap.
Ứng dụng quy phạm thực hành nuôi tôm tốt là định hướng phát triển cần thiết nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng tôm, hạn chế sử dụng thuốc và hóa chất, giúp người nuôi tôm ổn định đầu ra cho sản phẩm của mình, đồng thời tạo nguồn sản phẩm tôm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ thực phẩm tươi, chế biến và xuất khẩu./.
Phương Thảo