Tiếng Việt | English

05/04/2023 - 10:13

Long An - Nơi rồng xanh bay xa

Tôi về Châu Thành vào một ngày trời hanh gió với nhiều nắng vàng và mây trắng. Châu Thành là huyện đầu tiên của tỉnh Long An đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 31/5/2020.

Vốn là huyện thuần nông chủ yếu trồng lúa trước đây, Châu Thành ngày nay đã trở thành một trong những địa phương năng động và giàu tiềm năng phát triển nhất của tỉnh. Cũng con đường dài nối liền TP.Tân An với thị trấn Tầm Vu nhưng sao bây giờ đổi thay đến lạ! Một vùng quê với kết cấu hạ tầng hoàn hảo, nhà dân khang trang, có điện và nước sạch, đường giao thông thông thoáng, xe ôtô vào từng ngõ xóm; nhưng ấn tượng nhất trong tôi là những ruộng thanh long trái chín đỏ rực trên nền cây xanh thẫm, đều tăm tắp, mút tầm mắt như xa tới tận chân trời.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải cho biết, huyện đạt những thành quả đáng tự hào, khởi đầu từ công sức rất lớn của các vị lãnh đạo huyện tiền nhiệm với tầm nhìn chiến lược đã sáng suốt lập kế hoạch, thực thi việc xây đê bao ngăn mặn dài trên 60km từ sông Tra đến sông Vàm Cỏ Tây và hoàn thành hệ thống thủy lợi kênh sườn lấy nước ngọt từ Tiền Giang về. Do nước ngọt quanh năm và thổ nhưỡng phù hợp, cây thanh long là bước tiếp nối để có một Châu Thành như hôm nay.

2 năm vừa qua là thời gian thử thách đối với chính quyền và người dân nơi đây khi thanh long không tiêu thụ được, rớt giá thảm hại, nông dân không thiết tha chăm sóc, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây dẫn đến giảm năng suất cũng như chất lượng trái. Nhân công trong và ngoài tỉnh đến Châu Thành làm việc lần lượt rời đi vì không có việc làm, gây khó khăn cho việc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, Đảng bộ huyện xác định việc duy trì cây thanh long, đầu tư cho sản xuất sạch trong thời gian tới, tập trung vào chất lượng, góp phần mang lại các giá trị cao về thương mại - dịch vụ, logistic, tiếp tục làm giàu cho địa phương, góp hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo lộ trình.

Ông Khải giới thiệu cho chúng tôi những nông dân làm giàu nhanh chóng nhờ trồng thanh long trong huyện. Nhìn danh sách khá dài, tôi quyết định đến thăm một trong những “đại gia rồng xanh” nổi tiếng được mọi người phong cho danh vị “Vua thanh long” - Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu (ấp Hội Xuân) - Trương Quang An.

Ông An tiếp chúng tôi trong ngôi nhà có khuôn viên rộng gần 4.000m2 với cây kiểng đắt tiền ngoài sân, nội thất sang trọng. Ông An sinh năm 1964, chỉ học hết THPT nhưng những điều ông làm được cho bản thân, gia đình và xã hội thật đáng nể. Ông cười hiền lành, ngại ngùng khi nghe tôi nói đến danh xưng “Vua thanh long”: “Người ta gọi đùa như vậy vì tôi là một trong những người đầu tiên trong huyện trồng thanh long và đạt kết quả ngoài mong đợi, chứ thật ra hiện nay, ở huyện Châu Thành này, “vua thanh long”, “đại gia thanh long” nhiều không đếm xuể”.

Ông An trồng thanh long từ năm 1995, ban đầu là trồng trên cọc vông, cọc cây, rồi trụ xi măng như hiện tại. Cây thanh long trồng 1,5 năm sẽ ra trái và 2 năm cây cứng cáp thì có thể xông đèn kích thích cho trái nghịch mùa. Vụ mùa thuận thu hoạch vào tháng 5, tháng 6 và khoảng thời gian còn lại trong năm, nông dân sẽ thuê nhân công thắp đèn vào ban đêm ủ ấm cho cây. Giá vốn vụ trái mùa của 1kg thanh long ruột đỏ là 12.000 đồng, ruột trắng là 8.000 đồng. Người trồng thanh long thu được lợi nhuận hơn gấp 10 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích. Nếu trúng giá lúa, nông dân chỉ có lợi nhuận chừng 4-5 triệu đồng/ha/năm, trong khi cùng diện tích đó trồng thanh long được giá sẽ có lợi nhuận từ 50-100 triệu đồng. Khởi đầu từ 2ha thanh long, ngày nay, ông An đã có trong tay một cơ ngơi đáng kể. Ngoài ngôi nhà hoành tráng giữa cánh đồng thanh long rộng ngút ngàn, ông còn 2 nhà kho rộng 10.000m2 được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại để trữ thanh long theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho thuê với giá 300 triệu đồng/tháng, 1 khu đất làm trụ sở Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu. Điều đáng trân trọng nhất là ông tạo việc làm cho rất nhiều người trong và ngoài tỉnh, sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho bất kỳ ai có khát vọng và đam mê. Ông thuê thêm đất với giá 50 triệu đồng/ha/năm trồng thanh long và thuê nhân công chăm sóc, xông đèn quanh năm với giá 40.000 đồng/giờ. Những hộ có nhiều nhân công làm việc, chỉ trong vài năm đi làm thuê là giàu lên, có của ăn, của để. Hợp tác xã của ông gồm 13 thành viên, cơ sở vật chất và vốn đầu tư chủ yếu là của ông, được trang bị năng lượng mặt trời, nhà kho lạnh xây dựng trên 17 tỉ đồng chứa ngoài 500 tấn với hệ thống xe nâng lên kệ và có gần 200 nhân công làm việc, xuất khẩu 60-70 tấn thanh long/ngày sang Trung Quốc, Thái Lan, Hongkong, Singapore, Malaysia và bán cho các doanh nghiệp thu mua để gửi đi các nước châu Âu.

Ông Trương Quang An đã nhận được Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước năm 2007, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh,... Ông thường xuyên tiếp các đoàn chuyên gia trong và ngoài nước đến giao lưu, học tập kinh nghiệm về trồng và xuất khẩu thanh long. Ông cười thật tươi, ánh mắt lấp lánh tự tin khi nói về thời hoàng kim của thanh long.

Ông An chia sẻ: “Thanh long "lên ngôi" với gần 10.000ha trong huyện, tạo việc làm cho người dân trong và ngoài tỉnh. Chỉ cần chí thú làm ăn, những “công nhân nông nghiệp” làm công việc lột bỏ (cắt bỏ hết lớp dây trên, chỉ để lại dây già để xông đèn), xông đèn (giăng hệ thống đèn sưởi ấm cho cây), vuốt ngoe (chấm thuốc cho những ngoe xanh quanh trái),... và những công việc khác từ nửa đêm đến cuối ngày, sơ sơ kiếm trung bình 500.000 đồng/ngày, đều đều như vậy suốt năm thì... muốn nghèo cũng khó! Có điều, trải qua giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, tương tự những nơi khác, thanh long Châu Thành cũng bị “bầm giập”. Không riêng gì hợp tác xã của tôi, những cơ sở thu mua xuất khẩu khác cũng lao đao. Nhiều nhà vườn đến mùa vụ bỏ trôi luôn vì có bán hết trái thu hoạch được thì cũng không đủ chi phí trả cho nhân công cắt và thu gom. "Đất lành chim đậu", hồi trước, khu nhà trọ đông người giờ trống huơ trống hoác vì họ đi xứ khác làm ăn. Mà thanh long không được chăm sóc là bệnh ngay, thứ bệnh đốm trắng trên thân cây làm cho trái không đạt chất lượng, bán không ai mua chứ nói gì xuất khẩu. Bệnh này không có thuốc đặc trị, nếu vườn cây bị nặng quá phải phá bỏ hết rồi trồng lại từ đầu hoặc rửa (thuê nhân công cắt bỏ từng đốm trắng trên thân nhánh và bón phân, chăm sóc lại) nên rất tốn kém. Chi phí trồng 1ha thanh long là 400-500 triệu đồng mà tới mùa, nhà máy thu mua làm nước ép với giá rẻ mạt, chỉ 2.000 đồng/kg. Một số hộ có ý định phá bỏ vườn, chuyển đổi cây trồng nhưng chính quyền địa phương đang vận động người dân an tâm tiếp tục duy trì và phát triển thêm vì giá thị trường hiện nay của thanh long đã khởi sắc trở lại: Thanh long ruột đỏ có giá 25.000 đồng/kg, ruột trắng 13.000 đồng/kg; dù không bằng trước đây nhưng cũng có lãi hơn nhiều so với trồng lúa. Tôi bảo đảm rằng, chỉ có trồng thanh long thì Châu Thành mới có thể vững vàng đi lên trong tương lai chứ không thể là loại cây nào khác!”.

Thật thú vị là lúc sáng ở UBND huyện, tôi cũng nghe Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải nói y như vậy. Ông đưa tôi đi tham quan công xưởng trong hợp tác xã và tâm sự về khát vọng của mình: “Vấn đề cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, bởi các nước như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan hiện nay cũng đã trồng nhiều thanh long. Tuy nhiên, họ chưa canh tác cho được trái nghịch mùa như ở Việt Nam. Người trồng và xuất khẩu thanh long phải nhạy bén, tinh tế tính toán sát sao thời điểm thu hoạch để sản phẩm đạt giá thành cao nhất, thu lợi nhuận tối ưu. Tôi cũng đang tìm cách cải tiến phương pháp để thanh long của hợp tác xã chúng tôi, thanh long Châu Thành tuân thủ đúng hiệp định SPS, đạt đủ tiêu chuẩn GlobalGAP để được xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ và các nước châu Âu. Hiệp hội Thanh long huyện đang gom góp quỹ và đề xuất với chính quyền hỗ trợ những “công nhân nông nghiệp” để họ có động lực quay trở lại, bảo đảm có đủ lực lượng lao động chăm sóc các vườn bị hư hao, trồng lại các ruộng đã dỡ bỏ, thu hoạch mùa trái vụ”.

Rời huyện nông thôn mới Châu Thành, trên đường về, tôi cứ vấn vương nỗi trăn trở của ông Khải, ông An về cây thanh long trong tương lai bởi những khó khăn trước mắt. Nỗi lo này chắc cũng đang trĩu lòng trong mỗi người dân nơi đây.

Ngoái nhìn lại bảng hiệu: Tỉnh Long An - Huyện Châu Thành - Huyện nông thôn mới, lòng tôi chợt an yên. Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Văn Khải và “Vua thanh long” Trương Quang An đã khẳng định: Nâng cao chất lượng trái thanh long để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu là hoạch định xác đáng và lâu dài để thu nhập của người dân ngày càng tăng, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển KT-XH của địa phương và cả nước. Khi ý Đảng cùng lòng dân đồng thuận, Châu Thành - rồng xanh Long An nhất định sẽ bay xa trong tương lai./.

Ký của Nguyễn Thị Tuyết Mai

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích