Tiếng Việt | English

01/11/2022 - 10:53

Nông dân xây dựng nông thôn mới

Điểm nổi bật của Long An trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ; những tuyến đường được xây dựng, lắp đèn chiếu sáng, hai bên đường trồng hoa và cây xanh,... Là chủ thể trong XDNTM, nông dân (ND) góp phần tạo nên diện mạo mới như thế cho những vùng quê.

Huy động sức dân

Thông tin từ Hội ND Việt Nam tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, thực hiện chương trình XDNTM, các cấp Hội tiếp tục vận động cán bộ, hội viên (HV), ND xây dựng gia đình văn hóa, khu phố, ấp, xã, phường văn hóa nhằm hưởng ứng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Gia đình ND văn hóa. Các cấp Hội còn phối hợp các ngành, đoàn thể, địa phương vận động HVND tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với 27 công trình, làm 25km đường giao thông và góp hơn 2.000 ngày công lao động, hiến trên 51.400m2 đất để sửa chữa, thi công cầu, đường giao thông nông thôn;...

Bên cạnh đó, các cấp Hội vận động đóng góp xây dựng nhà tình thương, mái ấm ND với 42 căn, tổng trị giá trên 2,7 tỉ đồng; tặng trên 6.200 phần quà trị giá gần 2 tỉ đồng cho HVND nghèo. Song song đó, các cấp Hội duy trì thường xuyên công tác vận động ND tham gia giữ gìn an ninh, trật tự xóm ấp, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông,...

Vợ chồng chị Lê Thị Danh (bìa trái) nhận bằng khen trong xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" gắn với xây dựng nông thôn mới

Với suy nghĩ “sống cần có yêu thương và chia sẻ”, chị Lê Thị Danh (ấp 3, xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa) tham gia vận động người dân góp tiền sửa chữa đường bêtông ấp 3. Chị Danh chia sẻ, vùng sông nước này trước đây bị nhiễm phèn nặng, năng suất lúa thấp, cuộc sống khó khăn trăm bề. Sau đó, Nhà nước thực hiện các chương trình, chính sách để phát triển nông nghiệp, cải tạo hệ thống kênh, mương nội đồng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất,... Chính quyền địa phương cũng khuyến khích ND làm giàu, hỗ trợ vốn vay khi có nhu cầu,... Nhờ đó, gia đình chị và nhiều ND khác trong vùng có cuộc sống khởi sắc hơn. Chị Danh còn vận động các hộ dân thành lập tổ hợp tác bơm nước sạ sớm để tránh thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, chị còn tham gia tuyên truyền, vận động người dân làm đê bao lửng trong mùa lũ sớm năm 2017 để bảo vệ vụ lúa Hè Thu.

Nhiều năm liền đạt danh hiệu ND sản xuất, kinh doanh giỏi, được cấp huyện, cấp tỉnh khen thưởng, chị Danh không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà còn vận động tặng quà cho những ND có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, chị cùng phụ nữ ấp 3 tham gia các mô hình bảo vệ môi trường như xây dựng chi hội phụ nữ “5 không, 3 sạch, XDNTM”; thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình; vận động tham gia bảo hiểm y tế; chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình,... Chị cũng sắp xếp thời gian cùng phụ nữ dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chăm sóc cây xanh, trồng hoa ở các tuyến đường,... Chị Danh nói: “Điều gì có ích cho quê hương thì mình làm. Vì vậy, khi địa phương phát động XDNTM, tôi thấy chương trình này đem lại nhiều lợi ích cho mình cũng như người dân nên trong khả năng có thể, mình góp được gì thì sẽ làm hết sức”.

Thi đua phát triển kinh tế

Với phương châm ND là chủ thể XDNTM, nhiều địa phương tạo mọi điều kiện khuyến khích ND thi đua sản xuất, làm giàu ngay tại quê hương. Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ ND chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ,... Theo đó, phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực.

Nhờ trồng rau ứng dụng công nghệ cao, gia đình anh Bùi Văn Khóa có cuộc sống ổn định

Gắn bó với nghề nông từ nhiều năm nay nhưng năm 2019, anh Bùi Văn Khóa (ấp Thuận Tây 2, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) mới mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng làm nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để trồng rau theo hướng công nghệ cao. Anh Khóa chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi trồng lúa nhưng năng suất không cao.

Qua quá trình tìm hiểu từ người quen cũng như sự giới thiệu, tư vấn, tập huấn về chuyển đổi cây trồng của Hội ND xã, vợ chồng tôi bắt đầu chuyển sang trồng chuyên canh rau diếp cá. Tôi nhận thấy, rau trồng trong nhà lưới phát triển tốt, ít sâu, bệnh và hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, trồng trong nhà lưới hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết đối với cây trồng, do đó, năng suất, giá thành các loại rau không những cao mà còn được người dân tin dùng. Tuy số tiền đầu tư ban đầu để xây dựng nhà lưới tương đối lớn nhưng chỉ sau thời gian ngắn áp dụng, mô hình này mang lại hiệu quả cao hơn so với cách trồng rau truyền thống”.

Hiện tại, gia đình anh Khóa có khoảng 3.000m2 rau ứng dụng công nghệ cao. Từ lợi nhuận hàng năm, gia đình anh có cuộc sống ổn định, nuôi dạy 2 con trai đang trong độ tuổi ăn học. Không chỉ là một trong những ND dám nghĩ, dám làm, siêng năng trong lao động, anh Khóa còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, nhất là phong trào xây dựng xã văn hóa, NTM, sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm để ND cùng học tập, áp dụng.

Nhiều gia đình nông dân trong tỉnh hưởng ứng mô hình làm hàng rào bằng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp

Phó Chủ tịch Hội ND Việt Nam tỉnh - Trần Quốc Quân cho biết, thời gian qua, Hội ND các cấp tích cực vận động HVND tham gia thực hiện 19 tiêu chí XDNTM, nổi bật là tiêu chí số 2, 3 về giao thông, thủy lợi.

Để các phong trào đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh, Hội ND Việt Nam tỉnh chỉ đạo Hội ND các cấp tích cực triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Hội cấp trên về phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với chương trình XDNTM, từ đó phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân. Các phong trào đã thu hút đông đảo cán bộ, HVND tham gia, trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT - XH ở địa phương.

Ngoài ra, Hội cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho ND về ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; tư vấn, hỗ trợ ND về khoa học - kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới, đào tạo và dạy nghề,... nhằm tạo điều kiện giúp các hộ ND phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết