Tiếng Việt | English

20/09/2016 - 17:38

Long An sáng mãi 8 chữ vàng

8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” mà Trung ương phong tặng cho Long An cách đây 49 năm (17/9/1967) là niềm tự hào cho toàn Đảng bộ và nhân dân Long An. 8 chữ vàng có giá trị lớn lao trong giáo dục truyền thống, cách mạng cho thế hệ trẻ.


Tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”

Tự hào

Theo tài liệu ghi lại và giới thiệu tại Công viên tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, đầu năm 1966, quân Mỹ bắt đầu tham chiến trên chiến trường Long An. Ngay lập tức, Tỉnh ủy phát động phong trào toàn dân đánh Mỹ bằng vũ khí thô sơ và phong trào thi đua chiến đấu để giành danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, đồng thời mở nhiều đại hội chiến sĩ thi đua.

Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy, nhân dân Long An sản xuất gần 100.000 trái mìn, trái gài, lựu đạn để đánh Mỹ. Trong 2 năm 1966 và 1967, dân - quân Long An đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của Mỹ, tiêu diệt khoảng 1.000 tên địch, phá hủy nhiều phương tiện. Trong đó, nổi trội là chiến dịch 45 ngày - đêm đánh Mỹ ở vùng hạ Cần Giuộc vào tháng 6 và tháng 7/1967.

Trong giai đoạn này, hình thái chiến tranh nhân dân ở Long An phát triển lên đến đỉnh cao. Trong đó, điển hình là vành đai Rạch Kiến tiêu diệt hàng ngàn tên Mỹ, 17 máy bay, 20 xe thiết giáp, thu nhiều phương tiện chiến tranh. Nhìn chung trong cả tỉnh, đánh Mỹ trở thành một phong trào rộng lớn, trong đó, nổi bật vai trò của nhân dân. Đó là những bà mẹ tay không chặn xe tăng địch, những em bé vừa chăn trâu, vừa làm trinh sát cho bộ đội và dũng cảm lấy lựu đạn của địch để tiêu diệt địch.

Theo những tài liệu lịch sử, trước thắng lợi vô cùng oanh liệt và vẻ vang ở vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ Thi đua toàn miền Nam lần thứ 2 được tổ chức vào ngày 17/9/1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định phong tặng cho tỉnh Long An 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Đó chính là sự đúc kết kinh nghiệm cho phong trào đánh Mỹ trên toàn miền Nam thời điểm đó cũng như một sự biểu dương, ghi nhận kịp thời đối với Long An. 8 chữ vàng chính là niềm tự hào của Long An, để rồi vẫn được nhắc mãi theo thời gian.


Học sinh tham quan không gian trưng bày trong khu công viên tượng đài

Phát huy truyền thống

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, quê hương “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” lại tiếp tục cùng cả nước có nhiều phát triển đột phá. Đời sống người dân liên tục được nâng cao, bộ mặt kết cấu hạ tầng phát triển nhanh chóng. Hiện nay, Long An có những vùng phát triển mạnh công nghiệp như: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước; trong khi đó, các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười là vựa lúa lớn của cả nước.

Ghi nhớ về lịch sử, nhiều năm qua, Long An xây dựng và tôn tạo nhiều di tích văn hóa lịch sử. Trong đó, nổi bật nhất là vào năm 2005, Long An khởi công xây dựng khu Công viên tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Khu công viên rộng 6ha, có nhiều hạng mục, tọa lạc tại phường 5 - nơi giáp giữa 2 tuyến Quốc lộ 1 (cũ và đường tránh) đi vào trung tâm TP.Tân An. Khu tượng đài gồm các hạng mục như tượng đài, khu trưng bày,...

Trong đó, ấn tượng là không gian trưng bày được khởi công từ năm 2013 là một tổ hợp gồm các hộp hình, bảng giới thiệu nội dung, hình ảnh,... nhằm giới thiệu 8 chuyên đề về những chiến công đặc trưng, những dấu ấn tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Những chuyên đề tái hiện cuộc chiến tranh nhân dân trên mảnh đất Long An hiền hòa, bình dị nhưng rất đỗi hào hùng, gồm: Nhân dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc; 3 lần đánh đồn Đức Lập (chọn trận Đức Lập 2, ngày 27/10/1965 là trận tiêu biểu); Làng, xã chiến đấu ở Long An; Sản xuất vũ khí tại công binh xưởng; Dân công hỏa tuyến Long An làm “cầu người” vận chuyển thương binh; Trạm quân y tại căn cứ Đám lá tối trời (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ); Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống, chiến đấu trong mùa nước lũ; Trận Hiệp Hòa ngày 23/11/1963 - trận đánh điển hình của 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận, vũ trang.

Với những gì được lưu giữ, trưng bày, giới thiệu thì khu công viên tượng đài là nơi giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng rất bổ ích, nhất là với đoàn viên, thanh niên. Theo Bí thư Tỉnh đoàn Long An - Bùi Quốc Bảo, Đoàn Thanh niên tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên; trong đó, chú trọng phát huy hào khí “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” trong thời kỳ mới. Công tác giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên được thực hiện bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, thi tìm hiểu qua các hội thi, hội diễn hoặc tổ chức tham quan, tìm hiểu thực tế tại các di tích lịch sử; trong đó, Công viên tượng đài Long An "Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc" là điểm đến quen thuộc./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết