Tiếng Việt | English

06/07/2015 - 09:20

Từ “Hỏa hồng Nhựt Tảo” đến “Trung dũng kiên cường”: Long An - cảm nhận từ trong di sản


Minh văn chữ Phạn ở Gò Xoài (Bình Tả, Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) - 1 trong 26 hiện vật thuộc bộ Sưu tập hiện vật vàng văn hóa Óc Eo

Là vùng đất chuyển tiếp có cảnh quan sinh thái của Đông Nam Bộ lẫn châu thổ Cửu Long, gần như là hình ảnh của thiên nhiên Nam Bộ thu nhỏ lại và với đặc điểm về lịch sử - văn hóa, Long An vì vậy có hệ thống di tích phong phú và đa dạng.
Khám phá của khảo cổ học trong lòng đất cho biết từ khoảng 4.000 năm trước, đây từng là nơi tụ cư và giao hội, cùng thời với những trung tâm văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, mà tiêu biểu là di chỉ An Sơn, Lộc Giang (Đức Hòa), Rạch Núi (Cần Giuộc), Rạch Rừng (Mộc Hóa), Cổ Sơn Tự, Lò Gạch, Gò Ô Chùa (Vĩnh Hưng),… Đến thế kỷ thứ V, thứ VI sau Công Nguyên, cộng đồng cư dân cổ ở đây đã đạt đến đỉnh cao văn minh Đông Nam Á mà chúng ta được biết đến qua nền Văn hóa Óc Eo với những di tích tiêu biểu như Bình Tả (Đức Hòa), Gò Hàng, Gò Đế (Tân Hưng), Bộ sưu tập hiện vật vàng và Tượng Vishnu thuộc nền văn hóa Óc Eo đang lưu giữ tại Bảo tàng Long An được công nhận bảo vật quốc gia,… là những minh chứng một cuộc sống văn minh mà chủ nhân các nền văn hóa cổ nơi đây đã tạo dựng và để lại kinh nghiệm cho các thế hệ cư dân Việt trong công cuộc mở đất dựng nghiệp về sau.

Trong cuộc hành trình khai mở đất phương Nam, dấu tích một thời Nam tiến gian khổ mà hào hùng của ông cha ta trong những ngày đầu khai cơ lập nghiệp để biến rừng hoang thành làng mạc, ruộng đồng tươi tốt,… còn lưu lại là các địa danh xưa như như: Vũng Gù, Sông Bảo Định (Tân An), Lôi Lạp, Tầm Bôn (Cần Đước, Cần Giuộc), Miễu Ông Bần Quì (Tân Trụ),… rồi lưu dấu bàn tay tài hoa của mình qua các công trình kiến trúc nghệ thuật Nhà Trăm Cột, Chùa Phước Lâm, Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn (Cần Đước), Chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc), Đình Vĩnh Phong (Thủ Thừa), Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (TP.Tân An), Cụm Nhà cổ Thanh Phú Long (Châu Thành),… chính là kết quả của quá trình tạo dựng ấy.

Công cuộc khai phá của cha ông ta chưa hoàn thành thì tiếng súng giặc Pháp xâm lược đã nổ vang trên thành Gia Định (17-2-1859), nơi đây bỗng chốc trở thành chiến trường nóng bỏng, nhiệm vụ diệt giặc cứu nước đặt vào tay những người “dân ấp, dân lân mến nghĩa làm dân chiêu mộ” dưới lá cờ của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Phan Văn Đạt, Lê Cao Dõng, Trịnh Quang Nghị, Trà Quí Bình, Bùi Quang Diệu, Võ Duy Dương và nhiều anh hùng nghĩa sĩ khác, mà Chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc), Khu lưu niệm Nguyễn Thông (Châu Thành), Gò Giồng Dung(Tân Thạnh)… đã gắn liền với các tên tuổi ấy và Nguyễn Trung Trực với chiến công đánh chìm tàu Pháp ở Vàm Nhựt Tảo (Tân Trụ) là sự khởi đầu cho truyền thống oanh liệt.

Đảng ra đời và lãnh đạo đấu tranh, Long An sớm có những chi bộ đầu tiên ngay từ năm 1930, mà Nhà Ông Bộ Thỏ (Đức Hòa), Địa điểm thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Phước Lâm (Cần Giuộc), Nhà Long Hiệp, Nhà Võ Công Tồn (Bến Lức)… là nơi gắn liền với tên tuổi của các nhà cách mạng tiền bối, như Võ Văn Tần, Hồ Văn Long, Lê Quang Sung, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn An Ninh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai…, để từ đó làm nên cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất lúc bấy giờ tại di tích Ngã Tư Đức Hòa, ngày 4-6-1930 do đồng chí Châu Văn Liêm lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 nay vẫn còn lưu dấu tích ở Ngã Tư Đức Hòa, Giồng Cám (Đức Hòa), Khu lưu niệm Nguyễn Thị Bảy (Cần Giuộc)… Cùng cả nước khởi nghĩa cướp chính quyền, Nhà thuốc Minh Xuân Đường và Nhà Tổng Thận (TP.Tân An)… là chứng tích của của những ngày “Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Nam Bộ” (21-8-1945). Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Long An đã để lại những dấu ấn lịch sử không thể nào quên. Đồn Rạch Cát (Cần Đước) là bằng chứng hùng hồn của chiến tranh xâm lược; trận Mộc Hóa (thị xã Kiến Tường) đi vào thơ nhạc cách mạng; Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ (Tân Thạnh) ở Đồng Tháp Mười vang danh cả nước, trở thành biểu trưng của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ trong chín năm kháng chiến chống Pháp; Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến (Cần Đước) là hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến tranh nhân dân kỳ diệu mà danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” nay được tôn vinh bằng công trình văn hóa nghệ thuật tại thành phố Tân An chính là kết tinh của cả quá trình cách mạng; Căn cứ Bình Thành (Đức Huệ), Đám Lá Tối Trời (Tân Trụ), Căn cứ Phân khu ủy Phân khu 3 (Châu Thành) và nhiều di tích cách mạng khác là chứng tích oanh liệt của một Long An vừa là căn cứ địa, vừa là bàn đạp tiến công vào đầu não địch ở Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch mùa Xuân năm 1975, góp phần vào thắng lợi chung.

Đến với những chứng tích, địa chỉ lịch sử và văn hóa ở Long An để cảm nhận từ trong di sản sức mạnh cội nguồn của vùng đất từng làm nên trận “Hỏa hồng Nhựt Tảo” đến danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” nay đang chuyển mình hòa vào công cuộc đổi mới và hội nhập.

Nguyễn Tấn Quốc

 

Chia sẻ bài viết