Tiếng Việt | English

04/01/2020 - 09:31

Long Thạnh: Quan tâm chăm lo đời sống phụ nữ

Từ khi Tổ hợp tác (THT) Nuôi trồng thủy sản nước ngọt xã Long Thạnh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) được thành lập, giúp một số chị em có nuôi cá tại địa phương yên tâm hơn về giá cả, cuộc sống vì thế cũng ổn định hơn xưa.

Gần 10 năm qua, gia đình chị Phùng Thị Liên Hương (xã Long Thạnh) nuôi cá lóc, cá rô, ếch,... theo hình thức tự phát, nhỏ, lẻ và lúc nào cũng lo lắng về đầu ra. Hơn 1 năm tham gia THT tại xã, chị và các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật, có sự liên kết theo quy trình khép kín, công việc dần đi vào ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Chị hiện là tổ trưởng THT nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Tham gia tổ hợp tác, gia đình chị Phùng Thị Liên Hương yên tâm hơn về đầu ra nuôi cá, ếch

Chị nói: “Người dân xã Long Thạnh trước đây chủ yếu làm ruộng nhưng năng suất không cao so với những vùng khác, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Gia đình chúng tôi ở gần sông Vàm Cỏ Tây nên tận dụng vùng sông nước để nuôi trồng thủy sản. Nhờ tham gia THT, tôi hiểu rõ và yên tâm hơn về con giống. Lúc đầu, tôi mua giống từ một số mối quen khác, sau này tôi tự ươm và bán cả con giống. Cá lóc, cá trê, ếch tôi bán cho thương lái ở nhiều nơi và Hợp tác xã Thủy sản Long Thạnh. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ nghề này được hơn 100 triệu đồng. Số tiền có được không chỉ giúp gia đình tôi trang trải chi tiêu, sinh hoạt mà còn sửa chữa lại căn nhà để chuẩn bị đón tết”.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Phượng, được tham gia THT nuôi trồng thủy sản nước ngọt là sự may mắn. Gia đình chị trước đây có trồng lúa nhưng chuyển sang nuôi cá, ếch được khoảng 7 năm nay. Thời gian đó, gia đình chị cứ “loay hoay” tìm con giống, đầu ra và vốn.

Sau khi được các chị trong Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam xã khuyến khích tham gia THT, công việc làm ăn thuận lợi hơn trước. Thông thường, THT sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần. Khi có công việc cần thiết, các chị tụ họp lại chia sẻ về kinh nghiệm, trao đổi những thông tin về giá cả, thị trường,... Đặc biệt, các thành viên trong tổ khi có nhu cầu được địa phương giới thiệu xét hỗ trợ vay vốn để mua thức ăn cho cá, ếch, phục vụ công việc.

“Cũng nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và Hợp tác xã thủy sản Long Thạnh, chúng tôi không lo ngại về đầu ra như trước nữa. Lợi nhuận cho các thành viên của tổ khá cao so với trồng lúa. Cuộc sống của gia đình từng thành viên dần ổn định từ khi nuôi thủy sản theo hình thức liên kết. Cuộc sống cải thiện hơn xưa”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (bìa trái, hàng trên) nhận giải ba cho ý tưởng khởi nghiệp về tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản nước ngọt

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam xã Long Thạnh, Tổ trưởng THT - Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, những xã phía Bắc của huyện Thủ Thừa, trong đó có Long Thạnh, điều kiện đi lại, sinh sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nguồn vốn được xét để hỗ trợ cho các hộ dân khi có nhu cầu vay phát triển kinh tế gia đình chưa nhiều. Mấy năm gần đây, hội cũng trăn trở tìm những mô hình thích hợp để phát triển phong trào thi đua ở địa phương cũng như cải thiện cuộc sống người dân. Hiện tại, THT nuôi trồng thủy sản nước ngọt có 15 thành viên. THT ra đời, đây không chỉ là mô hình mới của hội trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về chăm lo cuộc sống người dân mà bước đầu giúp các hộ gia đình có thói quen làm ăn tập thể, theo thị trường, có sự liên kết, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết